Phát triển công nghiệp nhất là theo chuỗi luôn được ưu tiên bởi đây cũng là thế mạnh của Thái Nguyên, vì thế tỉnh luôn đón trào các nhà đầu tư có tiềm lực và thực sự muốn hợp tác đầu tư tại tỉnh.

Công nghiệp được ưu tiên

Thái nguyên cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư yên tâm và luôn cảm thấy an toàn khi đầu tư tại tỉnh, Bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư tỉnh uỷ khẳng định.

Phát triển công nghiệp nhất là theo chuỗi luôn được ưu tiên bởi đây cũng là thế mạnh của Thái Nguyên

Phát triển công nghiệp nhất là theo chuỗi luôn được ưu tiên bởi đây cũng là thế mạnh của Thái Nguyên

Hiện nay, Thái Nguyên đang tập trung quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp khu vực phía Nam của tỉnh. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh và đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Khôi phục và phát triển các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh như ngành cơ khí chế tạo, thu hút đầu tư chế biến sâu trong khai thác khoáng sản để tạo nguyên liệu đầu vào cho các ngành cơ khí chế tạo, điện tử.

Đặc biệt, tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, hình thành cụm ngành công nghiệp trong một số ngành công nghiệp ưu tiên. Tỉnh đã và đang thực hiện chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng ưu tiên các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn, công nghiệp sạch, sản xuất hàng xuất khẩu.

Kinh tế tăng trưởng cao

Trong những năm qua, kinh tế Thái Nguyên đạt tốc độ tăng trưởng cao, trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng có bước tăng bứt phá, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, tăng sự đóng góp của khoa học công nghệ.

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn năm 2020 ước đạt 803 nghìn tỷ đồng

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn năm 2020 ước đạt 803 nghìn tỷ đồng

Sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng trưởng ổn định, nâng cao khả năng cạnh tranh và đang chuyển dịch về cơ cấu theo đúng định hướng. Riêng tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt 16,3%/năm, trong đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,5%/năm; công nghiệp địa phương tăng 15,4%/năm; công nghiệp Trung ương tăng 12,4%/năm.

Với quy mô giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn năm 2020 ước đạt 803 nghìn tỷ đồng, thì Thái Nguyên đứng thứ tư về quy mô giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tỷ trọng lớn nhất, chiếm 99% tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp.

Từ sự phát triển vượt bậc của kinh tế, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng từ 7.485 tỷ đồng (năm 2015) lên hơn 15.500 tỷ đồng năm 2020.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Thái Nguyên tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, nâng cấp hoàn thiện hệ thống giao thông. Bên cạnh đó, Thái Nguyên kêu gọi, thu hút đầu tư vào 5/6 khu công nghiệp tập trung được phê duyệt với tỷ lệ lấp đầy đạt gần 60%.

Theo ông Ngô Danh Thùy, Trưởng phòng Kinh tế TP Thái Nguyên, trong những năm qua, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn Thành phố phát triển cả về quy mô, số lượng, chất lượng cũng như nguồn vốn đầu tư. Nếu như năm 2015, địa phương mới có 200 doanh nghiệp, 1.340 hộ cá thể sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thì đến nay địa phương đã có 431 doanh nghiệp và 3.002 hộ cá thể.

Được biết, trong 9 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) trên địa bàn đạt 567,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ và bằng 70,7% kế hoạch; giá trị xuất khẩu đạt 20,32 tỷ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ, bằng 68,9% kế hoạch cả năm. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tính đến ngày 18/10/2020 đạt trên 10.500 tỷ đồng, bằng gần 68% dự toán, giảm 14,7% so với cùng kỳ; chi ngân sách địa phương là 9.620,7 tỷ đồng, bằng 59,4% dự toán, tăng 0,4% so với cùng kỳ.