Thái Nguyên - điểm đến thân thiện. Minh chứng là ngay năm đầu sau tái khởi động phát triển ngành Du lịch - năm 2022, các điểm đến của tỉnh đón hơn 2,1 triệu lượt khách tham quan. Tổng doanh thu từ khách du lịch đạt hơn 1.800 tỷ đồng.


Du lịch cộng đồng tại Hoàng Nông farm, xã Hoàng Nông (Đại Từ) là một trong những hình thức trải nghiệm mới phát triển trong thời gian gần đây. Ảnh: T.L

Du lịch cộng đồng tại Hoàng Nông farm, xã Hoàng Nông (Đại Từ), là một trong những hình thức trải nghiệm mới phát triển trong thời gian gần đây. Ảnh: T.L

Tính đến hết quý I/2023, Thái Nguyên đón hơn 3.300 lượt khách quốc tế lưu trú. Các khu, điểm du lịch đón tiếp hơn 823.500 lượt khách; cơ sở lưu trú đón tiếp hơn 240.000 lượt khách; công ty lữ hành phục vụ hơn 17.000 lượt khách. Doanh thu từ hoạt động du lịch trong quý I đạt hơn 279 tỷ đồng.

Thái Nguyên sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, với gần 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 1 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 52 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 221 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 19 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Đặc biệt trong quý I/2023, Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (TP. Thái Nguyên) được tổ chức Du lịch thế giới trao Giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2022”. Tiếp đến là Tri thức trồng - chế biến chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên) và Lễ hội truyền thống núi Văn - núi Võ (Đại Từ) được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết định ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Với phong cảnh hùng vĩ, thác Mưa Rơi (Võ Nhai) là một trong những điểm du lịch thu hút đông đảo các bạn trẻ đến khám phá. Ảnh: T.L

Với phong cảnh hùng vĩ, thác Mưa Rơi (Võ Nhai) là một trong những điểm du lịch thu hút đông đảo các bạn trẻ đến khám phá. Ảnh: T.L

Ngoài ra, bởi cách làm linh hoạt và có sự gắn kết khéo léo giữa các sản phẩm du lịch, nên Thái Nguyên đã tạo được ấn tượng tốt đối với du khách. Ví như Khu du lịch hồ Núi Cốc gắn với du lịch sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng; Khu bảo tồn Làng nhà sàn du lịch sinh thái Thái Hải gắn với sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng dân tộc Tày; Trung tâm Thương mại và Du lịch Dũng Tân gắn với du lịch sinh thái, tham quan mua sắm, vui chơi giải trí.

Một số điểm du lịch về nguồn như: Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Di tích lịch sử Quốc gia Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, ngoài ý nghĩa tham quan, trao đổi, học tập kinh nghiệm, đây còn là những nơi nhiều đảng bộ, đoàn thể từ các tỉnh, thành trên cả nước lựa chọn làm địa điểm kết nạp đảng viên, đoàn viên, hội viên mới hay một số trường chính trị các tỉnh, thành phố lựa chọn trao chứng chỉ tốt nghiệp cho học viên.

Để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, từ nhiều năm nay, Thái Nguyên đã xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển du lịch, trong đó có Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, Thái Nguyên tập trung thực hiện đồng bộ 10 nhóm giải pháp chính là: Công tác tổ chức, quản lý, thực hiện; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của địa phương; xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch và hợp tác, hội nhập quốc tế về du lịch; liên kết, phát triển thị trường; phát triển sản phẩm du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; vốn đầu tư; cơ chế chính sách; ứng dụng khoa học và công nghệ; bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Nằm cách trung tâm T.P Thái Nguyên gần 20km, vùng chè thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) đã trở thành điểm đến hấp dẫn với những người ưa thích du lịch trải nghiệm. Ảnh: T.L

Nằm cách trung tâm TP. Thái Nguyên gần 20km, vùng chè thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) đã trở thành điểm đến hấp dẫn với những người ưa thích du lịch trải nghiệm. Ảnh: T.L

Một điểm nhấn quan trọng là từ năm 2022, quy hoạch tỉnh được triển khai, bao gồm quy hoạch du lịch Thái Nguyên giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; các địa phương triển khai quy hoạch huyện, thành phố bao gồm cả quy hoạch du lịch trên địa bàn; tập trung nguồn lực để thực hiện các dự án giao thông phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển du lịch; xây dựng danh mục các dự án thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh.

Về xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch, Thái Nguyên tập trung vào 4 dòng sản phẩm chính, gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, nông thôn; du lịch MICE (gặp gỡ, hội thảo), thể thao, khám phá hang động mạo hiểm gắn với văn hóa trà. Từ đó đã tạo nên sự đặc trưng, khác biệt, hấp dẫn đối với du khách.

Suối Kẹm, xã La Bằng (Đại Từ), điểm đến gần gũi với môi trường thiên nhiên. Ảnh: N.C

Suối Kẹm, xã La Bằng (Đại Từ), điểm đến gần gũi với thiên nhiên. Ảnh: N.C

Ở vị trí trung tâm vùng Việt Bắc, giao thông thuận lợi và sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, Thái Nguyên có nhiều lợi thế để phát triển ngành "công nghiệp không khói". Hơn nữa, Thái Nguyên luôn coi trọng phát triển ngành Du lịch. Điều đó được thể hiện thông qua các cơ chế chính sách, xúc tiến mời gọi nhà đầu tư. Nhất là gần đây công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch có nhiều bước tiến triển mang dấu hiệu tươi sáng, các điểm đến từng bược được số hóa, hệ sinh thái du lịch thông minh phát triển, tạo lợi ích tương hỗ giữa 3 đối tượng là du khách, chính quyền và doanh nghiệp.

Là một trong các tỉnh của miền di sản Việt Bắc, hằng năm, Thái Nguyên tích cực tham gia Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước, để tiến hành các hoạt động xúc tiến, kích cầu du lịch, ký kếp hợp tác phát triển du lịch với những thị trường trọng điểm như Hà Nội, Quảng Ninh, Quảng Bình, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Bắc. Đồng thời tổ chức đón đoàn famtrip đến từ nhiều miền đất nước về Thái Nguyên tham quan, trải nghiệm ở các khu, điểm du lịch. Qua đó tạo được ấn tượng đẹp về quê hương, con người Thái Nguyên trong mắt bạn bè. Đồng thời tạo động lực hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong, ngoài nước đến địa phương để cùng hợp tác, phát triển, xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những điểm đến thân thiện của cả nước.

TOP 10 ĐIỂM ĐẾN HẤP DẪN TẠI THÁI NGUYÊN

1 - Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa.

2 - Di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên).

3 - Đền Đuổm, núi Đuổm, xã Động Đạt (Phú Lương).

4 - Di tích đình - đền - chùa Cầu Muối, xã Tân Thành (Phú Bình)

5 - Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (TP. Thái Nguyên).

6 - Khu du lịch hồ Núi Cốc, xã Tân Thái (Đại Từ).

7 - Điểm du lịch sinh thái Phượng Hoàng, xã Phú Thượng (Võ Nhai).

8 - Suối Kẹm và vùng chè La Bằng (Đại Từ).

9 - Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên).

10 - Khu du lịch cộng đồng xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên).