>> Tư duy và tầm nhìn chiến lược cho các khu công nghiệp Thái Nguyên
Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Phan Đức Cường, Trưởng ban Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên trước thềm xuân mới 2023.
- Xin ông cho biết đôi nét về công tác quản lý quy hoạch và xây dựng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2022?
Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Thái Nguyên đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các KCN và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra. Đặc biệt, Ban luôn đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm, đồng hành với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Về công tác quản lý quy hoạch, năm 2022 đặt dấu mốc quan trọng, tạo tiền đề vững chắc cho bước phát triển mới của các KCN tỉnh Thái Nguyên.
Theo phương án phát triển các KCN đến năm 2030, tầm nhìn 2050, diện tích các KCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2021 là 2.395ha, đến năm 2025 là 3.286ha, đến năm 2030 là 4.245ha. Theo phương án này, đến năm 2030 tỉnh Thái Nguyên sẽ có 11 KCN được xây dựng.
Như vậy, việc quy hoạch năm 2022 đã hoàn thiện cơ sở pháp lý, đảm bảo thực hiện mục tiêu “Xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực Trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra.
Theo quy hoạch này, KCN Sông Công II sẽ mở rộng diện tích lên 300ha; Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Phú Bình sẽ có diện tích 900ha; Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Tây Phổ Yên có diện tích 1.128h, là KCN dự kiến phát triển đồng bộ, hiện đại, có quy mô lớn nhất tỉnh, được kỳ vọng sẽ tạo sung lực mới tăng thêm cho kinh tế công nghiệp tỉnh Thái Nguyên phát triển.
Bên cạnh đó, Ban cũng tổ chức khảo sát quy hoạch, đề xuất xây dựng mô hình KCN sinh thái tại xã Thượng Đình, huyện Phú Bình 130ha theo mô hình kinh tế tuần hoàn, nâng cao chất lượng phát triển công nghiệp của tỉnh đi vào chiều sâu và bền vững.
Về quản lý xây dựng, Ban thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về xây dựng trong KCN. Đối với công tác đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN, Ban tập trung thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án xây dựng hạ tầng KCN Sông Công II; Điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế cơ sở dự án xây dựng hạ tầng KCN Điềm Thụy – Khu A. Đây là 2 dự án nhóm A thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên đã trình các Bộ, ngành Trung ương cho ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Báo cáo thẩm định và hoàn thiện hồ sơ trình Thủ Tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Bức tranh thu hút đầu tư vào các KCN năm 2022 như thế nào, thưa ông?
Có thể nói trong suốt những năm qua, tỉnh Thái Nguyên luôn “trải thảm đỏ” để đón các nhà đầu tư đến với tỉnh. Đặc biệt, năm 2022 là năm gặp rất nhiều khó khăn bởi tác động của thị trường thế giới đối với Việt Nam nói chung.
Vượt qua những khó khăn đó, Thái Nguyên hiện nay đang là địa chỉ “đỏ” về thu hút nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Tính đến hết tháng 11/2022, tỉnh đã thu hút được 16 dự án đầu tư, cấp mới và điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn FDI đăng ký đầu tư đạt trên 1,527 tỷ USD và 1.283 tỷ đồng, xếp thứ 6 của cả nước về thu hút đầu tư FDI, vượt chỉ tiêu phấn đấu của kế hoạch đề ra từ đầu năm.
Một số dự án đầu tư có tổng vốn đăng ký đầu tư cao như: Dự án Công ty TNHH Trina Solar Wafer (Việt Nam) tại Khu công nghiệp Yên Bình 275 triệu USD, Dự án Dowooinsys tại Khu công nghiệp Sông Công II 30 triệu USD, Dự án Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Bình điều chỉnh tăng 1.187 triệu USD tổng vốn đầu tư.
Lũy kế đến nay, trong các KCN của tỉnh có 269 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng kí đầu tư, trong đó có 136 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 10,454 tỷ USD và 133 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 16.414 tỷ đồng.
>> Thái Nguyên: Kiến tạo môi trường đầu tư các khu công nghiệp
- Vậy đâu là cơ sở để tỉnh có thể thu hút đầu tư được kết quả tốt như vậy, thưa ông?
Nếu như cuối năm 2010, Thái Nguyên chỉ đứng ở vị trí 45/63 tỉnh, thành phố về thu hút FDI trong cả nước, thì đến nay tỉnh đã vươn lên lọt Top đầu cả nước.
Một trong những “chìa khoá” giúp Thái Nguyên thu hút được nhiều dòng vốn FDI là do tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu phục vụ thu hút đầu tư, trọng tâm là hạ tầng về giao thông, các khu công nghiệp, hạ tầng xã hội quanh các KCN.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hoạt động trong KCN luôn được hỗ trợ kịp thời cùng các chính sách thu hút đầu tư linh hoạt. Lãnh đạo tỉnh và các Sở, ngành luôn thân thiện, tận tụy đã tạo nên môi trường đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
>> Khởi công xây dựng các cụm công nghiệp hiện đại, kiểu mẫu tại Thái Nguyên
Đồng thời, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên luôn đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường đối thoại, hướng dẫn cụ thể các thành phần hồ sơ, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính phục vụ tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tìm hiểu đầu tư vào các KCN tỉnh Thái Nguyên. Đây cũng là phương châm, “kim chỉ nam hành động” xuyên suốt của Ban trong nhiều năm qua cho hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh.
Trong năm qua, Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên còn tích cực tham mưu cho Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức nhiều buổi gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp và các tổ chức, hiệp hội trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài để lắng nghe những kiến nghị, đề xuất để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đã có hơn 50 doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các KCN.
Tất cả những yếu tố đó đã đưa Thái Nguyên vươn lên vị trí thứ 11 cả nước và cũng là tỉnh đứng đầu các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc bộ về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
- Năm 2023 đã cận kề. Ông hãy cho biết, mục tiêu và giải pháp trong năm tới của Ban là gì để cùng với tỉnh Thái Nguyên đạt được những mục tiêu phát triển KT-XH?
Trong năm 2023, Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên sẽ tiếp tục bám sát vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong công tác quản lý Nhà nước và phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu doanh thu quy đổi trong các KCN đạt 34 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 30 tỷ USD, nộp Ngân sách đạt 9.500 tỷ đồng.
Thu hút thêm 15 dự án đầu tư mới vào các KCN, thu hút vốn đầu tư đăng ký mới đạt 300 triệu USD và 1.000 tỷ VNĐ. Đồng thời, triển khai các bước tiếp theo của quy hoạch xây dựng KCN Sông Công II – Giai đoạn 2, Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Phú Bình; phối hợp với Tổng công ty Viglacera tiến hành nghiên cứu, khảo sát vị trí lập Quy hoạch Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Tây Phổ Yên; tổ chức lập Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 KCN Thượng Đình.
Để thực hiện, Ban tiếp tục phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương trong công tác tham mưu, báo cáo UBND tỉnh giải quyết dứt điểm các khó khăn, tồn tại tại 02 KCN do Ban làm chủ đầu tư.
Cùng với đó, tiếp tục nâng cao công tác cải cách hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).
Phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư hạ tầng KCN, các tổ chức tư vấn xúc tiến đầu tư vận động thu hút đầu tư vào các KCN tăng tỷ lệ lấp đầy trong các KCN. Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác thu hút đầu tư, ưu tiên thu hút các dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, có khả năng đóng góp nhiều cho ngân sách.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp với các đơn vị liên quan việc thực hiện các quy định pháp luật tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung tuyên truyền kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về lao động, môi trường, quy hoạch, xây dựng.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Thái Nguyên đặt mục tiêu bảo đảm tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 từ 8% trở lên. Tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí, triển khai hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp; chủ trương mở cửa nền kinh tế trên cơ sở nhất quán các quy định về lưu thông hàng hóa, dịch vụ và sản xuất an toàn, duy trì hoạt động liên tục, ổn định. |