Đó là bài viết được Báo Đại biểu nhân dân đăng ngày 02/11. Tác giả phản ánh, xác định là tỉnh vệ tinh của thủ đô Hà Nội, Thái Nguyên tập trung phát triển hạ tầng giao thông để tạo “đòn bẩy” tăng tính hấp dẫn thu hút đầu tư. Với mục tiêu thúc đẩy đầu tư xây dựng các công trình giao thông sẽ tạo “bệ phóng” bứt tốc phát triển đô thị, xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại vào năm 2030. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên trân trọng giới thiệu đến bạn đọc:
Phát triển hệ thống giao thông được xem là đòn bẩy giúp Thái Nguyên phát triển kinh tế và thu hút đầu tư
Những năm qua, hạ tầng giao thông Thái Nguyên đã có bước phát triển mạnh mẽ ở cả 2 lĩnh vực trong tỉnh và liên kết vùng, giúp kết nối tỉnh với nhiều vùng kinh tế năng động của đất nước. Với sứ mệnh giao thông “đi trước mở đường”, để phát triển kinh tế - xã hội, ngành giao thông tỉnh Thái Nguyên đã và đang phát triển đúng hướng, tạo nền tảng làm “khâu đột phá” đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện
Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông trong tỉnh. Trên cơ sở các tuyến đường cũ, tỉnh đã nâng cấp, cải tạo, mở rộng nhiều tuyến đường có ý nghĩa quan trọng để trở thành tỉnh lộ, nhằm kết nối và đẩy mạnh thông thương hàng hóa giữa các địa phương.
Theo ông Lê Văn Vịnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên, tỉnh đã đầu tư, nâng cấp và mở mới nhiều tuyến giao thông đối nội để kết nối du lịch, nhằm góp phần kết nối hoàn chỉnh các vùng, các sản phẩm du lịch của tỉnh, tạo cơ sở để phát triển du lịch Thái Nguyên trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 20 tuyến, với tổng chiểu dài gần 400km. Trong đó, có một số tuyến tỉnh lộ mới được nâng cấp, như ĐT.273 (Hóa Thượng - Hòa Bình); ĐT.263 (thị trấn Đu - Phú Lạc); ĐT.269D (Tràng Xá - Linh Nham); đường An Khánh - Phúc Hà; đầu tư nâng cấp ĐT.269 thành Quốc lộ 17, Linh Nham - Yên Thế (Bắc Giang).
Còn với chiến lược kết nối vùng, Thái Nguyên tiếp tục phát triển hạ tầng để nâng tầm chiến lược. Trong giai đoạn đến 2025, tầm nhìn đến 2030, Thái Nguyên sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông theo hướng trục ngang tỉnh. Trong đó, Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc (Liên kết vùng) là dự án giao thông có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận. Việc kết nối các tỉnh trên, thông qua 5 tuyến đường cao tốc, gồm Hà Nội - Bắc Giang, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai, đường Vành đai 5 Thủ đô Hà Nội, Tuyên Quang - Phú Thọ. Đồng thời, kết nối trực tiếp cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vào Khu du lịch Hồ Núi Cốc, kết nối sang Khu du lịch ATK Định Hóa, tạo quỹ đất cho phát triển công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng khu vực sườn Tam Đảo.
Với lợi thế là đô thị và là tỉnh vệ tinh của thủ đô Hà Nội, Thái Nguyên tập trung phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực phía Nam của tỉnh, ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư; phát triển hạ tầng giao thông và khu công nghiệp gắn kết với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội, được xác định là “đòn bẩy” để tăng tính hấp dẫn thu hút đầu tư.
Linh hoạt trong giải ngân vốn, xử lý thủ tục hành chính
Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên cũng cho biết, có nhiều công trình, dự án thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách; nhiều công trình có sự đóng góp, tạo điều kiện giúp sức của Nhân dân. Điều đó cho thấy, môi trường đầu tư tại các địa phương tại Thái Nguyên không ngừng tốt lên. Nhiều công trình, dự án hạ tầng đã hoàn thành về sớm trước kế hoạch đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tại các huyện phía Nam của tỉnh đạt tốc độ phát triển nhanh, tiến dần đến mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra, với nhiều chỉ tiêu vượt cao so với kế hoạch đề ra.
Để các công trình về đích đúng kế hoạch, ngành giao thông tỉnh đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp như tiếp tục thực hiện cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm phục vụ thu hút đầu tư, góp phần cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh; quan tâm phát triển đa dạng các loại hình vận tải; thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu sản xuất gắn với phát triển hạ tầng; đẩy mạnh công tác kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng cơ chế chính sách trên lĩnh vực quản lý nhà nước về giao thông vận tải theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo nguyên tắc “3 giảm, 4 tại chỗ, 8 công khai”; tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải; tăng cường giải quyết dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân lưu thông hàng hóa thuận tiện, an toàn.
Ngoài ra, tăng cường chuyển đổi số, trước mắt, chú trọng số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, hồ sơ công việc và số hóa tài sản hạ tầng đường bộ; phát triển giao thông đô thị văn minh, hiện đại trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với trên 5.000 phương tiện giao thông được lắp thiết bị giám sát hành trình.
Khi các dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thái Nguyên hoàn thành sẽ tạo “bệ phóng” bứt tốc phát triển đô thị thông minh; xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại vào năm 2030.
daibieunhandan.vn