Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, đa dạng các hình thức thu hút đầu tư, ưu tiên lựa chọn các dự án có quy mô đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại, sản xuất thân thiện với môi trường, các nhà đầu tư có tiềm lực và chiến lược đầu tư dài hạn, tạo sự lan tỏa, đó là phương châm chỉ đạo xuyên suốt, bài học thành công của tỉnh Thái Nguyên trong thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn.
Trên cơ sở định hướng, bài học đó, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện giải quyết thủ tục hành chính phục vụ các dự án đầu tư nhanh, gọn. Đồng thời thường xuyên đối thoại, cùng nhà đầu tư tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, sớm đưa các dự án đi vào hoạt động.
Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Thái Nguyên
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 690 dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách của doanh nghiệp còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký trên 122 nghìn tỷ đồng. Đối với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tỉnh đã cấp mới 05 dự án, tổng vốn đăng ký thêm là trên 50 triệu USD, vốn đầu tư thực hiện là trên 80 triệu USD.
Thái Nguyên đã, đang và sẽ là nơi hội tụ của các tập đoàn kinh tế lớn.
Lĩnh vực công nghiệp
Đầu tiên phải nhắc tới Tập đoàn Samsung với Dự án đầu tư Tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên tại Khu công nghiệp Yên Bình (TX. Phổ Yên). Dự án có vốn đầu tư 6,23 tỷ USD. Hằng năm, Samsung Thái Nguyên xuất khẩu khoảng 24 tỷ USD, tạo việc làm cho trên 70 nghìn lao động.
Đối với Tập đoàn Masan - đơn vị đầu tư khai thác, chế biến Vonfram tại mỏ Núi Pháo (Đại Từ) cũng có đóng góp lớn đối với kinh tế của tỉnh. Năm 2020, doanh thu thuần của Công ty đạt 7.291 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 1.478 tỷ đồng. Công ty đã hỗ trợ 2,36 tỷ đồng để thực hiện 48 dự án phát triển cộng đồng với 1.100 hộ gia đình được thụ hưởng.
Nhà máy sản xuất và chế biến quặng đa kim Núi Pháo
Mới đây nhất, UBND tỉnh đã trao Quyết định thành lập Cụm công nghiệp Tân Phú 1, Tân Phú 2 thuộc thị xã Phổ Yên và Cụm công nghiệp Lương Sơn thuộc thành phố Sông Công với tổng diện tích 165,5 ha, vốn đầu tư khoảng 800 triệu USD cho Công ty Cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn (SAIGONTEL).
Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG là đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu các mặt hàng may mặc, thời trang. Công ty hiện có 13 nhà máy may, gồm 257 chuyền may, 2 nhà máy phụ trợ, 1 văn phòng đại diện tại New York (Mỹ), 1 công ty liên doanh liên kết. TNG được xếp hạng trong “TOP 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam”, “TOP 10 doanh nghiệp lớn nhất ngành dệt may Việt Nam”. Năm 2020, doanh thu tiêu thụ của Công ty đạt 4.485 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt trên 152 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước trên 52 tỷ đồng; tạo việc làm cho gần 14.800 người với mức thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng; tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh...
Phát triển giao thông, đô thị
Bên cạnh sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, tỉnh Thái Nguyên đã linh hoạt sáng tạo huy động nhiều nguồn lực ngoài ngân sách để phát triển giao thông, đô thị. Điển hình là các dự án: Đường Bắc Sơn kéo dài, kết nối TP. Thái Nguyên với Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc do Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư trên 2.000 tỷ đồng; Dự án khu nhà ở kết hợp thương mại, dịch vụ - TP. Thái Nguyên của Công ty CP Tập đoàn Vingroup có vốn đầu tư đăng ký trên 500 tỷ đồng; Dự án khu nhà ở đô thị, nhà ở xã hội, khu trung tâm thương mại, dịch vụ và kiến trúc cảnh quan của Công ty CP Tập đoàn DANKO, được quy hoạch trên tổng diện tích gần 50 ha tại xã Cao Ngạn (TP. Thái Nguyên). Dự án Crown Villas của Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng có tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng, quy mô 35,42 ha, được thiết kế theo mô hình “City in city” tại TP. Thái Nguyên, là khu đô thị theo tiêu chuẩn sống 5 sao với dịch vụ chất lượng cao, tiện ích đồng bộ.
Sản xuất công nghệ cao
Dự án Nhà máy phát triển năng lượng Trina Solar (Trung Quốc) và Dự án Nhà máy sản xuất khí công nghiệp Messer Hải Phòng - Thái Nguyên 2 (Cộng hòa Liên bang Đức) vào Khu công nghiệp Yên Bình (TX. Phổ Yên) đã được UBND tỉnh trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đây là hai Dự án thuộc lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, khi đi vào hoạt động không chỉ giải quyết việc làm cho trên 2.000 người lao động mà còn giúp gia tăng đáng kể giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Cụ thể, Dự án Nhà máy phát triển năng lượng Trina Solar có tổng mức đầu tư 4.750 tỷ đồng, quy mô 16,25 ha. Đây là dự án chuyên sản xuất pin năng lượng mặt trời và các giải pháp năng lượng thông minh, công suất hoạt động đạt 256,3 triệu sản phẩm/năm. Dự án Nhà máy sản xuất khí công nghiệp Messer Hải Phòng - Thái Nguyên 2 chuyên sản xuất khí công nghiệp hóa lỏng, có tổng mức đầu tư hơn 535 tỷ đồng, công suất thiết kế đạt 5.000 Nm3/giờ, quy mô 3,73 ha. Giai đoạn 1 dự kiến cung cấp sản phẩm ngay trong quý II/2021.
Thái Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình vào Quy hoạch chung khu công nghệ thông tin tập trung cả nước với quy mô trên 200 ha. Tỉnh Thái Nguyên đang tích cực triển khai các bước lập dự án, lựa chọn nhà đầu tư. Đây là điều kiện thuận lợi để Thái Nguyên tiếp tục thu hút các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao, phục vụ yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.
Phát triển du lịch, dịch vụ thương mại
Tháng 4/2021, Trung tâm thương mại và đại siêu thị Go! Thái Nguyên của Tập đoàn Central Retail vừa chính thức đi vào hoạt động tại TP. Thái Nguyên. Dự án có tổng diện tích 36.000 m2, tổng mức đầu tư 540 tỷ đồng và trở thành dự án trung tâm thương mại và siêu thị lớn nhất của Tập đoàn tại Việt Nam. Dự án không chỉ góp phần kiến tạo không gian đô thị hiện đại mà còn mang đến cho người dân Thái Nguyên trải nghiệm mua sắm, vui chơi giải trí và ẩm thực mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trung tâm Thương mại và Đại siêu thị GO! Thái Nguyên
Một điểm nhấn khác là Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao hồ Núi Cốc tại xã Tân Thái (Đại Từ) do Công ty CP Flamingo Holding Group đầu tư, có quy mô diện tích 22,5 ha, tổng vốn đầu tư 2.538 tỷ đồng. Dự án được thực hiện trong 5 năm (2020 - 2025), gồm 50 căn biệt thự đơn lập cao 2-3 tầng; khu tổ hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn cao tầng; bến dịch vụ du thuyền…
Có thể thấy, thêm nhiều nhà đầu tư đến với tỉnh Thái Nguyên cũng chính là thêm cơ hội để thúc đẩy các doanh nghiệp trong tỉnh lớn mạnh, qua đó giúp nâng cao toàn diện đời sống Nhân dân các dân tộc trong tỉnh; góp phần xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và Vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.