Để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý về đất đai, Sở TNMT Thái Nguyên đã và đang tích cực, chủ động đẩy mạnh nhiều hoạt động về quản lý đất đai trên địa bàn.

>> Thái Nguyên: Doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận đất đai

Đẩy mạnh việc Cấp Giấy chứng nhận quyền SDĐ

Tỉnh Thái Nguyên đang đẩy mạnh các hoạt động quản lý đất đai. Ảnh: Vũ Phường

Tỉnh Thái Nguyên đang đẩy mạnh các hoạt động quản lý đất đai. Ảnh: Vũ Phường

Theo thống kê từ cơ quan chức năng, Thái Nguyên đã hoàn thành cơ bản công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) lần đầu đạt tỷ lệ khá cao, hơn 93%. Tính đến nay, Sở TNMT đã tiếp nhận 279 hồ sơ của tổ chức xin cấp đổi, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 235,18 ha. Trong đó, gồm 08 hồ sơ cấp lần đầu GCN đất với diện tích là 1,49 ha; 51 hồ sơ cấp đổi, cấp lại GCN với diện tích 179,67 ha; 218 hồ sơ nhận chuyển nhượng tài sản với diện tích là 53,98 ha; hồ sơ thu hồi GCN do cấp sai là 02 hồ sơ với diện tích 0,042 ha. Số hồ sơ đã trình ký là 134 hồ sơ; 02 hồ sơ đang thẩm định.

Trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp được hơn 291 nghìn ha, đạt 93,05% diện tích cần cấp. Trong đó, diện tích đã cấp đối với các tổ chức là hơn 67 nghìn ha, đạt 88,52%; Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư cấp được hơn 223 nghìn ha, đạt 94,52 %.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc Sở TNMT Thái Nguyên nhận định, kết quả đạt được như trên là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên cùng các giải pháp chỉ đạo đúng đắn và kịp thời, phù hợp với điều kiện hiện nay đã tác động tích cực, tạo sự chuyển biến mạnh trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở các địa phương, giúp công tác quản lý Nhà nước về đất đai có nề nếp, ổn định, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đảm bảo công bằng, minh bạch trong các quan hệ về sử dụng đất và sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Hồ sơ, thủ tục đất đai đều được thực hiện tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Kim Dung

Hồ sơ, thủ tục đất đai đều được thực hiện tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Kim Dung

Thời gian tới, để công tác cấp Giấy chứng nhận đạt kết quả cao hơn, Sở TNMT Thái Nguyên sẽ tiếp tục đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn các địa phương rà soát, đẩy nhanh tiến độ cấp GCN lần đầu cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cấp GCN; tham mưu, trình UBND tỉnh Thái Nguyên rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định về cấp GCN không còn phù hợp thuộc thẩm quyền theo quy định pháp luật hiện hành.

Thể hiện được chiến lược sử dụng đất

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất luôn được ngành TNMT quan tâm, chỉ đạo, cơ bản đáp ứng được công việc UBND tỉnh giao.

Trong 9 tháng năm 2022, Sở đã tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trình Chính phủ phê duyệt đối với các dự án đăng ký kế hoạch sử dụng đất năm 2022 có sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa của 07 dự án với diện tích là 239,48 ha; rà soát các công trình, dự án đã đăng ký kế hoạch sử dụng đất năm 2021, 2022 trong Quy hoạch tỉnh; phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh.

>> Thái Nguyên: Đột phá Nâng cao PCI

>> Tư duy và tầm nhìn chiến lược cho các khu công nghiệp Thái Nguyên

Tổng hợp, rà soát bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2022, hồ sơ điều chỉnh quy mô, địa điểm và số lượng dự án công trình dự án sử dụng đất đến năm 2022 của UBND các huyện, thành phố báo cáo UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, BCH Đảng Bộ tỉnh và Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Mặt bằng “sạch” tại KCN Sông Công II. Ảnh: Vũ Phường

Mặt bằng “sạch” tại KCN Sông Công II. Ảnh: Vũ Phường

Giám đốc Sở TNMT Thái Nguyên cho rằng, kết quả của quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Thái Nguyên đã thể hiện được chiến lược sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, nhất là có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, là công cụ quan trọng để các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh thực hiện công tác quản lý Nhà nước về đất đai theo pháp luật.

Đặc biệt, quy hoạch sử dụng đất đảm bảo cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; quỹ đất dành cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội được tỉnh Thái Nguyên xem xét và tính toán kỹ lưỡng, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, giao thông, thủy lợi, giáo dục, văn hóa - thể thao, thương mại dịch vụ, sản xuất kinh doanh, tạo tiền đề để thu hút đầu tư, tăng thêm việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Gỡ vướng trong giải phóng mặt bằng

Theo ông Đặng Văn Huy, Phó Giám đốc Sở TNMT Thái Nguyên, nhu cầu mặt bằng cho nhà đầu tư xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay rất lớn. Giải phóng mặt bằng là yếu tố quyết định trong việc tiếp cận đất đai, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng kiểm tra tiến độ GPMB và thi công Dự án Tuyến đường liên kết các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc, đoạn qua TP Phổ Yên

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng kiểm tra tiến độ GPMB và thi công Dự án Tuyến đường liên kết các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc, đoạn qua TP Phổ Yên

Do vậy, Sở TNMT Thái Nguyên đã luôn quan tâm, sát sao tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành triển khai thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng đúng theo quy định pháp luật.

Đối với các dự án trọng điểm, Sở phối hợp với các cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Để hội tụ, tập trung trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, tạo thuận lợi trong việc tiếp cận đất đai, vận dụng linh hoạt chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án của doanh nghiệp.