>>>Thái Nguyên: Top đầu cả nước về chuyển đổi số
>>> Thái Nguyên tăng 4 bậc, đứng thứ 8 cả nước về chuyển đổi số
Ông Bùi Văn Lương, Bí thư Thành ủy - Chủ tịch UBND TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên cho biết, Được lựa chọn là địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-TU của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số, TP. Phổ Yên xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và cũng là cơ hội để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, từng bước xây dựng Phổ Yên là thành phố thông minh.
Thành phố Phổ Yên đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của tất cả các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương và từng cán bộ, người dân và đồng hành của các doanh nghiệp. Từ việc thực hiện linh hoạt, sáng tạo, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, qua hơn 1 năm thực hiện chuyển đổi số, Phổ Yên đã đạt nhiều kết quả quan trọng ở cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
UBND thành phố Phổ Yên đã xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước cấp thành phố và 18 xã, phường: thực hiện tốt việc kết nối liên thông hệ thống quản lý văn bản và hỗ trợ điều hành của thành phố đến xã, phường với các cơ quan, ban, ngành của thành phố và tỉnh.
Đến nay, tỷ lệ văn bản đi/đến được chuyển trên môi trường mạng (hoàn toàn không sử dụng văn bản giấy) giữa các cơ quan, đơn vị, các xã, phường trong thành phố đạt 100%; 100% cán bộ, công chức, viên chức thành phố đã thực hiện trao đổi, tra cứu, khai thác thông tin qua môi trường mạng. Toàn bộ văn bản điện tử đi được ký số trực tiếp trên phần mềm và được gửi liên thông trên phần mềm quản lý văn bản và hỗ trợ điều hành.
Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) Phổ Yên khai trương tháng 12/2021 với hệ thống điều hành thông minh có khả năng giám sát và phân tích, đánh giá các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn, từ đó cung cấp cho cơ quan quản lý Nhà nước cái nhìn toàn diện về các hoạt động; đưa ra những cảnh báo, hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền. Thành phố Phổ Yên cũng là một trong những địa phương đi đầu trong tỉnh về đưa vào sử dụng Trung tâm IOC với hệ thống camera an ninh giám sát cây xanh và hệ thống giao thông thông minh tích hợp 12 lĩnh vực. Đặc biệt, công nghệ được áp dụng trong hệ thống cho phép tạo ra một kênh thông tin để doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân tương tác với chính quyền thông qua ứng dụng di động “Smartcity”. Ông Lương nhấn mạnh.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Ông Trần Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND TP Phổ Yên chia sẻ, thành phố đã cập nhật dữ liệu của 12 phòng ban chức năng, chế độ báo cáo; biểu mẫu báo cáo đã được khởi tạo theo các lĩnh vực văn hóa, tài chính kế hoạch, thanh tra, tư pháp, lao động thương binh và xã hội. Thành phố đã hoàn thiện giai đoạn 1, hệ thống hiện thu thập toàn bộ thông tin về các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông trên địa bàn, dữ liệu cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh trên địa, kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và đào tạo.
Về xây dựng đô thị thông minh: Đã xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, trung tâm điều hành thông minh của thành phố, đường truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống truyền hình hội nghị, phòng họp trực tuyến không giấy tờ, xây dựng các trang web của 18 xã, phường, hệ thống camera giám sát giao thông, hệ thống chữ ký số, chứng thư số; hoá đơn, biên lai điện tử; bản sao điện tử từ bản chính; nhà thuốc điện tử, hệ thống quản lý bệnh viện điện tử,… dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 54%, tổng số dịch vụ công của thành phố lên cổng dịch vụ công của tỉnh bao gồm 320 thủ tục hành chính.
>>>Công ty Hà Lan (Thái Nguyên) tiên phong trong chuyển đổi số doanh nghiệp
>>>Chuyển đổi số ngành giao thông Thái Nguyên – Thay đổi để phát triển
Về trụ cột kinh tế số: Các ngành thuế, kho bạc và ngân hàng đã sử dụng Hệ thống ứng dụng quản lý tập trung và các phần mềm chuyên ngành thuế, đảm bảo đáp ứng phục vụ công tác quản lý thuế hiện đại, hệ thống thuế điện tử (eTax).
Phổ Yên đã tiển khai thanh toán trực tuyến, phát triển thương mại điện tử. UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Các hoạt động ứng dụng công nghệ số trong kết nối, quảng bá và tiêu thụ nông sản trên Sàn thương mại điện tử Vỏ Sò (voso.vn), PostMart (postmart.vn). Trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, tiếp tục chỉ đạo làm tốt công tác giải phóng mặt bằng thu hút đầu tư, ưu tiên các đơn vị doanh nghiệp công nghệ cao vào đầu tư tại khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình.
Với trụ cột xã hội số, Ông Trường cho biết: Các ứng dụng, phần mềm của tỉnh đã và đang triển khai, cung cấp các tính năng mới để thêm tiện ích cho người dân sử dụng ứng dụng Thái Nguyên ID bao gồm: Bản đồ các địa chỉ đỏ; tính năng cung cấp thông tin về xe khách, xe taxi; Xây dựng bản demo chức năng về điện và demo tra cứu bảo hiểm xã hội; tra cứu mã số thuế... Ngành Công an hoàn thiện cập nhật thông tin dữ liệu thông tin cá nhân, thẻ căn cước công dân, hộ khẩu điện tử và các thông tin cập nhật theo lĩnh vực tư pháp, hộ tịch của toàn bộ người dân trên địa bàn.
Ngành giáo dục - đào tạo bước đầu hình thành kho học liệu dùng chung, tích hợp trên các nền tảng youtube và các mạng xã hội. Triển khai số hóa và điện tử các loại hồ sơ, sổ sách trong các cơ sở giáo dục, sổ liên lạc điện tử. Xây dựng các biểu đồ phân bổ các trường học trên địa bàn, số lượng giáo viên, số lượng học sinh, các trường đạt chuẩn quốc gia, thành tích học tập, phổ điểm học sinh qua các kỳ và cả năm. 100% các trường đã thực hiện phần mềm quản lý tài chính, tài sản; quản lý học phí điện tử đảm thực hiện thu/chi không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục…
Lĩnh vực y tế: Đã tổ chức đánh giá và triển khai sử dụng chính thức Hệ thống quản lý thông tin xã, phường tại 18 trạm y tế từ 01/03/2022 theo Quyết định số 3532/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Triển khai nền tảng khám chữa bệnh từ xa tại các cơ sở y tế phục vụ công tác đào tạo nghiệp vụ, tư vấn khám, tư vấn điều trị. Tích hợp và xây dựng các biểu đồ giám sát về lĩnh vực y tế của thành phố. Phần mềm quản lý y dược, các điểm khám, chữa bệnh và các nhà thuốc trên địa bàn tích hợp về trung tâm điều hành thông minh (IOC) của thành phố.
Ngoài ra, trụ cột xã hội số cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong lĩnh vực văn hoá - du lịch. Đầu tư phát triển hạ tầng bưu chính – chuyển phát, hạ tầng viễn thông.
Có thể khẳng định, bằng sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, các cấp ngành triển khai đồng bộ các giải pháp, chương trình chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Phổ Yên đã đạt những kết quả quan trọng; góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó Phổ Yên hiện đang duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững ở mức trên 25%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, tỷ trọng công nghiệp, thương mại - dịch vụ chiếm trên 97%, thu ngân sách chiếm 1/3 tổng thu ngân sách toàn tỉnh; giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 7.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 17 tỷ USD, chiếm tỷ trọng rất cao trong giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 100 triệu đồng/người/năm; Hạ tầng đô thị được tập trung đầu tư; quan tâm phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, con người và đảm bảo an sinh xã hội.
Công tác thu hút đầu tư vào thành phố được đặc biệt quan tâm, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài (Phổ Yên là nơi được Tập đoàn Samsung tin tưởng, lựa chọn đầu tư nhà máy sản xuất vào năm 2013 và tiếp tục mở rộng đầu tư trong năm 2022, đầu tư thêm gần 1,2 tỷ USD, nâng tổng mức đầu tư các dự án sau điều chỉnh lên 7,537 tỷ USD (trong đó, Samsung điện tử là 5 tỷ USD; Samsung điện cơ là 2,537 tỷ USD). Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư đồng bộ; nhiều công trình, dự án trọng điểm được đưa vào hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của tỉnh. Ông Trường phấn khởi chia sẻ thành quả mà Phổ Yên đạt được.
Là 1 thành phố trẻ, TP. Phổ Yên tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ liên kết, dẫn dắt, lan tỏa cho các địa phương khác trong tỉnh để cùng phát triển. Những kết quả bước đầu của TP. Phổ Yên trong thực hiện Chương trình chuyển đổi số chính là tiền đề quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phổ Yên, sẽ đi thật nhanh, thật vững trên con đường lớn này và sớm mở ra những con đường lớn hơn nữa, những đại lộ kết nối Thái Nguyên với Thủ đô Hà Nội và nhiều trung tâm kinh tế lớn.
Chuyến tàu mang tên “Công nghệ số” đã khởi hành mang theo khát vọng chinh phục. Trên hành trình mới đó, TP. Phổ Yên cũng đã và đang ứng dụng linh hoạt chuyển đổi số vào từng ngành, lĩnh vực với kì vọng thông qua công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, cải cách triệt để các thủ tục hành chính; tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân, thu hút các nhà đầu tư lớn về với Phổ Yên cũng như tỉnh Thái Nguyên; từng bước cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh, xứng tầm là cực kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Thái Nguyên.