>>>Thái Nguyên: Top đầu cả nước về chuyển đổi số
>>>Các hợp tác xã phải chủ động chuyển đổi số để tồn tại và phát triển
Xu thế tất yếu cho kinh tế hợp tác
Đó là nhận định của ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên. Ông Hòa cho biết, sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư với quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, đã mở ra nhiều cơ hội và thách thức với mỗi quốc gia, địa phương, tổ chức và cá nhân; tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, trong đó có khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã.
Do đó, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và cần thiết để phát triển kinh tế hợp tác, HTX trong kỷ nguyên mới.
Đối với các tổ chức kinh tế hợp tác, HTX, thông qua chuyển đổi số sẽ số hoá quá trình sản xuất, nuôi trồng, sử dụng các công nghệ IOT, AI; ứng dụng blockchain để truy xuất nguồn gốc; sử dụng thương mại điện tử để tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh; sử dụng các công nghệ thanh toán điện tử.
Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có gần 4.500 tổ hợp tác với hơn 73.000 thành viên; 643 HTX với trên 42.500 thành viên và người lao động. Toàn tỉnh có 4 Liên hiệp HTX với 26 HTX thành viên, tổng số vốn điều lệ là 33 tỷ đồng.
>>>Thái Nguyên đồng hành cùng doanh nghiệp chuyển đổi số
>>>Thái Nguyên tăng 4 bậc, đứng thứ 8 cả nước về chuyển đổi số
Ông Đào Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở TT&TT Thái Nguyên cho hay, thời gian qua, Sở TT&TT tỉnh Thái Nguyên đã thành lập tổ công tác để hỗ trợ miễn phí các HTX, hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, quản trị. Đồng thời, tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng các mô hình sản xuất, kinh doanh để lựa chọn giải pháp, nền tảng chuyển đổi số phù hợp.
Theo đó, Sở đã tổ chức lễ ký kết hợp tác với Công ty CP Misa triển khai chương trình hỗ trợ miễn phí cho những đối tượng trên tiếp cận, ứng dụng các nền tảng chuyển đổi số, triển khai trong giai đoạn 2022 - 2025, bắt đầu thí điểm với 6 doanh nghiệp tại Thái Nguyên.
Các đơn vị tham gia chương trình sẽ được miễn phí trải nghiệm các phần mềm kế toán, quản trị doanh nghiệp chăm sóc khách hàng, xuất hóa đơn điện tử … do Misa cung cấp. Chủ các mô hình kinh doanh, doanh nghiệp được đào tạo miễn phí nâng cao nhận thức cũng như hỗ trợ tư vấn lập kế hoạch chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh và quản trị.
Theo ông Tuất, chương trình hỗ trợ hướng đến các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, HTX nhằm thúc đẩy người dân nâng cao nhận thức, chủ động ứng dụng chuyển đổi số, tối ưu hóa quản trị hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm nhiều khâu trung gian, tiết kiệm chi phí và gia tăng lợi nhuận”.
Toàn tỉnh đã thành lập 2.255 Tổ công nghệ số cộng đồng, với 15.000 người tham gia, hoàn thành 100% cấp xã có Tổ công nghệ số cộng đồng. Các Tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng trực tiếp hỗ trợ triển khai nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số cho người dân tại cơ sở.
Đến nay, đã triển khai mô hình Chợ 4.0 ở 12 chợ truyền thống trên địa bàn với 2.115 tiểu thương sử dụng và được người dân hưởng ứng tích cực. Đây là mô hình chợ thanh toán không dùng tiền mặt, nhằm tạo thói quen sử dụng và khả năng tiếp cận dịch vụ, xây dựng các “công dân số”. Dự kiến hết năm 2022 tỉnh có 80 chợ 4.0 thành lập.
Chuyển đổi số HTX để vươn xa…
Tại HTX chè Hảo Đạt (TP Thái Nguyên), ngay từ khi mới thành lập năm 2016, HTX đã chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu chè đầu vào để luôn đạt chất lượng cao, cũng như các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tính đến nay, HTX chè Hảo Đạt đã có trên 30 thành viên với vùng chè nguyên liệu hơn 10 ha, hệ thống nhà xưởng có tổng diện tích trên 2.000m2, dây chuyền sản xuất khép kín, được tự động hóa 70%, công suất từ 4,0 - 4,5 tấn chè búp tươi/ngày.
Hiện mỗi năm, HTX chè Hảo Đạt chế biến được khoảng 1.500 tấn chè búp tươi, cung cấp ra thị trường từ 250 - 350 tấn chè búp khô chất lượng, với các dòng sản phẩm chính như: chè Đinh, chè Tôm nõn, chè Móc câu, chè Bát Tiên… với giá bán dao động từ 250.000 đồng/kg đến 2.500.000 đồng/kg.
Đặc biệt, hiện HTX chè Hảo Đạt có chè Tôm nõn đã được xếp hạng OCOP 5 sao Quốc gia từ 30/6/2021. Còn 2 sản phẩm chè là Móc câu và chè Đinh được xếp hạng OCOP 4 sao. Doanh thu hàng năm của HTX tăng trưởng đều, trung bình đạt khoảng 5-6 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 20-30 lao động với mức thu nhập bình quân từ 4,5 - 6 triệu đồng/tháng.
Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX Chè Hảo Đạt cho biết, từ 5 năm về trước HTX đã ý thức được việc đưa khoa học công nghệ vào vườn chè để sản xuất, như ứng dụng tưới tự động, vừa tiết kiệm nước, vừa giúp cây sinh trưởng tốt hơn, vừa giảm công lao động… Việc sao chè cũng đưa máy móc vào công đoạn này để bán tự động, chất lượng không ảnh hưởng mà số lượng được nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường tốt hơn.
Tất cả các sản phẩm của chè Hảo Đạt đều có mã QR và việc quản lý chất lượng sản phẩm chè cũng được ứng dụng chuyển đổi số.
Đặc biệt, việc bán hàng của Chè Hảo Đạt chủ yếu được giao dịch qua các sàn thương mại điện tử. Nhờ sự hỗ trợ rất kịp thời của tỉnh Thái Nguyên đối với doanh nghiệp trong chuyển đổi số, ngay cả khi dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp, doanh thu của HTX không bị ảnh hưởng gì mà thực tế còn tăng lên nhiều so với cùng kỳ năm trước.
>>>Thái Nguyên: Đột phá Nâng cao PCI
Nằm trong chương trình thí điểm về chuyển đổi số, HTX chè La Bằng (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) đã được hỗ trợ triển khai và đào tạo sử dụng nền tảng quản lý bán hàng CMC Agri-Connect. Ông Hứa Văn Thịnh, Phó Giám đốc HTX chè La Bằng cho biết, đến nay, HTX đã có các gian hàng giới thiệu sản phẩm trên Shopee, Lazada, Sendo… Ngoài ra, HTX còn được cấp tài khoản Demo gồm tài nguyên lưu trữ để vận hành thử nghiệm việc quản lý đơn hàng, theo dõi các đơn hàng đến từ các nguồn trực tuyến, ngoại tuyến và thông luồng vận chuyển với VnPost; đồng thời được hướng dẫn triển khai giải pháp truy xuất nguồn gốc nông sản CMC FoodTrust. Những kiến thức này đã trợ giúp nhiều cho HTX trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Để sản phẩm OCOP của địa phương được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, thời gian qua, các cơ sở, HTX trên địa bàn huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã chủ động tiếp cận thị trường bằng nhiều hình thức. Từ đó “chắp cánh” cho sản phẩm vươn xa, được thị trường đón nhận và ưa chuộng.
Theo bà Nguyễn Thị Trang, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Phú Bình, là địa phương có thế mạnh trong phát triển nông nghiệp, vì thế, các sản phẩm OCOP do các cơ sở, HTX của huyện Phú Bình sản xuất đều là những nông sản chất lượng từ trồng trọt, chăn nuôi. Để sản phẩm được thị trường đón nhận, địa phương khuyến khích các cơ sở, HTX luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời không ngừng đổi mới, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm.
Để quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm địa phương, huyện Phú Bình đã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ các cơ sở tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, các ứng dụng của điện thoại thông minh như Facebook, Zalo,…
Ông Dương Xuân Trường, Giám đốc HTX ngựa bạch Xóm Phẩm cho biết, các sản phẩm của HTX hiện nay khá đa dạng, như cao ngựa bạch đóng gói 100gram/miếng và phổi ngựa bạch ngâm mật ong, cao ngựa bạch dạng viên nén, thuận tiện cho người sử dụng.
Ông Dương Xuân Trường chia sẻ, từ năm 2020, các sản phẩm từ ngựa bạch của HTX đã được cấp có thẩm quyền chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Bên cạnh phương thức bán hàng truyền thống, chúng tôi thường xuyên giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ thương mại, triển lãm ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên Fanpage… Nhờ đó, đến nay HTX đã có nhiều khách hàng ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh T.P Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác.
Để chuyển đổi số thành công, Phó Giám đốc Sở TT&TT - Đào Ngọc Tuất cho rằng, vấn đề cốt lõi là thay đổi nhận thức của các thành viên của HTX. Bởi hiện nay, tỉ lệ thành viên HTX có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng, vận hành các thiết bị tự động, thiết bị số, thiết bị phân tích... còn hạn chế, do chưa được đào tạo chuyên môn bài bản, trình độ chủ yếu ở mức tiểu học và trung học cơ sở. Khi các HTX nhìn nhận đúng vai trò, ý nghĩa của việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thì sẽ có sự quan tâm, đầu tư đúng mức, thay đổi mô hình quản trị.
Vì vậy, các HTX, đặc biệt là lãnh đạo HTX cần được tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực quản trị. Đối với các thành viên HTX cũng cần được tuyên truyền để thay đổi tư duy từ cạnh tranh sang hợp tác, liên kết chặt chẽ với nhau, tạo nên sức mạnh tổng hợp cho các HTX, giữ vững và phát huy thương hiệu nông sản Thái Nguyên.