>> Thái Nguyên: Chính quyền - doanh nghiệp đồng hành phát triển
Thực hiện nghiêm Chỉ thị - Đơn giản hóa thủ tục hành chính
Chỉ thị nêu rõ: Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh luôn được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định. Bộ máy hành chính được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo kết quả khảo sát, đánh giá năm 2021, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DDCI) của huyện Phú Bình đạt 81,25 điểm, được xếp loại năng lực điều hành tốt.
Chỉ số DDCI của huyện năm 2021 đạt thứ hạng thấp so với 9 đơn vị cấp huyện của tỉnh Thái Nguyên. Để tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh DDCI huyện Phú Bình năm 2022 và các năm tiếp theo, Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt những nội dung sau:
1. Cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh, Huyện về CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, từ đó tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp đặc biệt là người đứng đầu cấp uỷ, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị.
2. Các cơ quan, ban, ngành, UBND các xã, thị trấn tập trung nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện tốt các chỉ số thành phầnDDCI, cụ thể hóa thành nhiệm vụ của ngành, địa phương; Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong giải quyết các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp. Trong đó tập trung nâng cao trách nhiệm giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) tại bộ phận một cửa, nhất là các thủ tục về đất đai; giảm đáng kể thời gian thực hiện các thủ tục cho người dân, doanh nghiệp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; cải thiện chất lượng điều hành; công khai, minh bạch thông tin về phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện nâng cấp Trang thông tin điện tử… phấn đấu xây dựng huyện Phú Bình trở thành địa chỉ tin cậy, hấp dẫn của cộng đồng doanh nghiệp, thu hút đầu tư, tạo động lực để huyện Phú Bình phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.
3. Các cơ quan, ban ngành, UBND các xã, thị trấn thực hiện rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thủ tục hành chính do đơn vị thực hiện, công khai, minh bạch TTHC và thời gian giải quyết trên Cổng thông tin điện tử, hệ thống truyền thanh và niêm yết đồng bộ, thống nhất tại nơi tiếp nhận, giải quyết TTHC.
4. Thường xuyên cập nhật, công khai TTHC để người dân, tổ chức kịp thời tiếp cận quy định, thủ tục mới. Đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển chính quyền điện tử. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã; hoàn thiện quy trình TTHC liên thông đảm bảo rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị liên quan. Nâng cao trách nhiệm giải quyết các TTHC tại bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã, nhất là các thủ tục về đất đai; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục cho người dân, doanh nghiệp. Thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định rõ từng bước công việc, trách nhiệm của người đứng đầu, ký cam kết với nhà đầu tư về tiến độ triển khai thực hiện.
5. Xây dựng đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin cho các ngành và UBND các xã, thị trấn góp phần cải thiện đơn giản hóa TTHC, nhất là các lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp như: Thuế, phí, lệ phí; đấu thầu, thanh quyết toán vốn, giấy phép xây dựng, cấp điện… Đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa hành chính, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, điều hành, giải quyết công việc của cơ quan Nhà nước; nhất là việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ; nâng cao tỷ lệ cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; đẩy mạnh giao dịch thanh toán trực tuyến đối với các TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính.
>> Thái Nguyên: Tận tâm với nhà đầu tư
>> Thái Nguyên: Doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận đất đai
6. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm những biểu hiện tiêu cực của cán bộ, công chức nhất là đối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu gắn với tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
7. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện tăng cường công tác chỉ đạo đối với địa phương, đơn vị, lĩnh vực được phân công phụ trách về công tác cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh huyện Phú Bình năm 2022 và các năm tiếp theo. Các ban Xây dựng Đảng, Văn phòng Huyện ủy theo chức năng, nhiệm vụ giúp Ban Thường vụ Huyện ủy theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị.
8. Giao UBND huyện căn cứ nội dung Chỉ thị này, thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng Kế hoạch cụ thể để thực hiện có hiệu quả, quyết tâm cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh theo nhiệm vụ được phân công. Đơn vị được giao chủ trì và các đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong thực hiện cải thiện chỉ số thành phần của Chỉ số DDCI; đề xuất giải pháp và triển khai thực hiện. Báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm.
Quyết tâm cải thiện chỉ số DDCI
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên cho biết, để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tiếp tục hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư. UBND các huyện Phú Bình tiếp tục tổ chức 2 cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư năm 2022 đảm bảo chất lượng, thực chất, hiệu quả.
Thông qua đối thoại, đại diện các doanh nghiệp đã nêu lên một số ý kiến, đề xuất với chính quyền địa phương và các sở, ngành về việc sớm bố trí nguồn vốn thanh toán nợ công cho doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cơ bản; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch vùng huyện; giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án; tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản; nhóm ý kiến liên quan đến giá cước vận tải, vật liệu tăng; việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với một số dự án trên địa bàn huyện còn chậm …
Theo đó, đối với nguồn vốn thanh toán nợ công, UBND huyện Phú Bình đang tích cực thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn nhằm tăng nguồn thu từ sử dụng đất, qua đó sẽ ưu tiên thanh toán nợ, bố trí vốn thanh, quyết toán các công trình đã hoàn thành cho nhà thầu. Trong công tác giải phóng mặt bằng, huyện đã và đang chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tích cực phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn đẩy nhanh tiến độ để các dự án triển khai đúng tiến độ. Về vấn đề tìm đầu ra cho nông sản, huyện sẽ tích cực phối hợp với các sở, ngành của tỉnh đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử nhằm nâng cao thu nhập cho bà con...
Hiện nay, số công nhân lao động trên địa bàn huyện đang làm việc tại các Công ty, doanh nghiệp là hơn 30.000 lao động; trong đó tham gia lao động tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh trên 8.500 lao động, tham gia lao động trong các doanh nghiệp thuộc tỉnh quản lý gần 20.000 lao động (Khu công nghiệp Điềm Thụy, nhà máy may TDT, TNG)…Được biết, hiện nay trên địa bàn huyện có 295 công ty, doanh nghiệp và hợp tác xã hoạt động, trong đó có trên 50 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và số doanh nghiệp thuộc huyện quản lý là 246 doanh nghiệp với trên 8.000 lao động.
Lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Phú Bình cũng cam kết sẽ luôn đồng hành với các doanh nghiệp, nhà đầu tư và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất theo quy định của pháp luật để tăng cường hơn nữa trong thu hút đầu tư vào địa phương.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, cho biết trong vòng 39 ngày liên tiếp từ đầu tháng 8 đến tháng 9 năm 2022, gần 10 cuộc đối thoại các sở, ban, ngành, địa phương đã tổ chức để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư vào tỉnh.
Với việc Huyện Phú Bình quyết tâm nâng cao cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh DDCI, giúp nhà đầu tư, doanh nghiệp kỳ vọng từ cải cách của huyện, đây sẽ là một bước ngoặt mang tính đột phá trong công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khẳng định quyết tâm của huyện Phú Bình không ngừng nâng cao chất lượng điều hành kinh tế một cách toàn diện, đáp ứng đầy đủ nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Từ đó tạo điểm đến là địa chỉ đỏ hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư đến với huyện Phú Bình. Ông Thời nhấn mạnh.