Bài viết trên được đăng trên Báo Xây dựng. Bài viết phản ánh về ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên trong việc tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, tập trung giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách, chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm từ các nguồn thải trên địa bàn tỉnh. Cổng Thông tin điện tử Thái Nguyên trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.

(Xây dựng) - Đó là một trong những chỉ đạo được Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng nhấn mạnh tại Chỉ thị số 11/CT-UBND ban hành ngày 21/5/2021 vừa qua.

Sau sự cố cháy tủ điện, Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng đã ngừng hoạt động gần 2 năm nay, khiến toàn bộ hệ thống xử lý nước thải của dự án có vốn đầu tư hơn 950 tỷ đồng tại thành phố Thái Nguyên mất tác dụng.

Trong thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã thu hút được sự quan tâm tham gia của cả hệ thống chính trị và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường từng bước được hoàn thiện; hiệu lực quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường phát huy được hiệu quả, góp phần kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm; tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số khu vực được giảm thiểu, chất lượng môi trường dần được cải thiện.

Tuy nhiên, trước sức ép của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, ô nhiễm môi trường đang có chiều hướng gia tăng ở một số khu vực. Để tập trung giải quyết các vấn đề trọng điểm, cấp bách về môi trường trên địa bàn tỉnh; tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường; nâng cao chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của địa phương (chỉ số PEPI) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh về môi trường (chỉ số PAPI), nhằm triển khai có hiệu quả Đề án tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, ngày 21/5/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ký ban hành chỉ thị yêu cầu các sở, ban, ngành và các địa phương tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, tập trung giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách, chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm từ các nguồn thải trên địa bàn.

Đối với Sở Xây dựng: Đảm bảo các yêu cầu về khoảng cách an toàn môi trường, diện tích xây dựng công trình bảo vệ môi trường, xử lý chất thải khi xem xét thẩm định quy hoạch mặt bằng và thiết kế cơ sở của các dự án đầu tư. Kiểm tra, hướng dẫn các chủ đầu tư đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường khi thi công xây dựng. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xử lý chất thải rắn tích hợp vào quy hoạch tỉnh Thái Nguyên đảm bảo phù hợp với tình hình phát sinh và nhu cầu xử lý chất thải.

Đối với các doanh nghiệp, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp: Hoàn thiện đầy đủ các thủ tục pháp lý về môi trường theo quy định; xây dựng đúng, đầy đủ các công trình bảo vệ môi trường, xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nêu rõ: Các dự án đầu tư mới chỉ được đưa vào hoạt động sau khi đã được cơ quan chức năng kiểm tra, xác nhận đủ điều kiện được vận hành. Chấm dứt tình trạng các dự án, cơ sở sản xuất đã đi vào hoạt động nhưng chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý và công trình bảo vệ môi trường, xử lý chất thải đặc biệt là khu, cụm công nghiệp đang hoạt động, cơ sở chăn nuôi lợn, các dự án xây dựng khu dân cư, đô thị…

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng lưu ý: Các Khu, Cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư hạ tầng và đang hoạt động nhưng chưa hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường phải khẩn trương đầu tư xây dựng và hoàn thành theo quy định pháp luật, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải tập trung của Khu công nghiệp Điềm Thụy A, Khu công nghiệp Trung Thành; các cụm công nghiệp đang hoạt động phải hoàn thành công trình hạ tầng môi trường trước ngày 31/12/2024 theo quy định tại Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường; chỉ được tiếp tục thu hút đầu tư sau khi đã hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, được cơ quan chức năng có thẩm quyền chấp thuận…

Ngoài ra, các doanh nghiệp phải thực hiện chế độ quan trắc môi trường đúng quy định, đảm bảo khách quan, trung thực tình trạng xả thải từ các nguồn thải. Kịp thời dừng ngay hoạt động xả thải hoặc tạm dừng sản xuất khi phát hiện các thông số ô nhiễm môi trường vượt quá giới hạn cho phép, đồng thời khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục.

Các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất chưa lắp đặt và truyền dữ liệu quan trắc tự động theo quy định phải khẩn trương hoàn thành trước ngày 31/12/2021, đặc biệt là Khu công nghiệp Điềm Thụy A, Khu công nghiệp Sông Công II, Khu công nghiệp Sông Công I.

Ngoài ra, các đơn vị, doanh nghiệp phải đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng, thực hiện đầy đủ các biện pháp hạn chế tán bụi trong quá trình thi công xây dựng, san nền, vận chuyển các loại vật liệu…

Nguyễn Thành
https://baoxaydung.com.vn/