Đó là bài viết được đăng trên Báo Vietnamnet ngày 15/6, tác giả phản ánh Thái Nguyên nỗ lực hoàn thành các hạng mục của Trung tâm điều hành thông minh để tăng tốc chuyển đổi số, sớm đưa tỉnh Thái Nguyên trở thành đô thị thông minh với nền tảng số hiện đại, từ đó nâng cao chất lượng công tác quản lý cũng như phục vụ cho đời sống của Nhân dân. Cổng Thông tin điện tử Thái Nguyên trân trọng giới thiệu đến bạn đọc:

Tích hợp dữ liệu và hệ thống sẵn có cùng phần mềm điều khiển trung tâm, tạo ra cái nhìn toàn cảnh trên mọi lĩnh vực, Trung tâm điều hành thông minh giúp thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chính quyền điện tử tại tỉnh Thái Nguyên.

Hoàn thành 10/11 hạng mục Trung tâm điều hành thông minh

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn cầu trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội để bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng quốc gia cho Việt Nam. Tại Thái Nguyên, tỉnh đang tập trung xây dựng Chương trình chuyển đổi số đảm bảo mục tiêu phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Để nâng cao năng lực quản lý hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội, tạo ra môi trường, cuộc sống chất lượng, phục vụ tốt cho người dân, ngày 10/7/2020, Thái Nguyên đã khai trương và vận hành thí điểm Trung tâm điều hành thông minh (IOC) đặt tại trụ sở UBND tỉnh.

Thái Nguyên cũng xác định Trung tâm IOC là “bộ não số” của tỉnh với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển trung tâm, tạo ra một cái nhìn toàn cảnh về tỉnh trên mọi lĩnh vực.
Với nền tảng công nghệ hiện đại, Trung tâm IOC tỉnh Thái Nguyên cho phép kết nối những trường thông tin, trích xuất dữ liệu; tiếp nhận thông tin phản ánh của mọi người dân, doanh nghiệp phục vụ công tác nghiên cứu, chỉ đạo điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước, các cấp chính quyền… Trung tâm giám sát này còn cho phép người dân theo dõi kết quả xử lý phản ánh một cách công khai và minh bạch.

Tính năng, tiện ích của các nền tảng được tích hợp sử dụng tại Trung tâm IOC Thái Nguyên

Hiện tại, Trung tâm IOC đã hoàn thành 10/11 hạng mục gồm: Đầu tư phòng điều hành thông minh hiện đại; nền tảng tích hợp, hiển thị thông tin điều hành (IOC); tích hợp dữ liệu lĩnh vực y tế, giáo dục, giám sát thông tin, phản ánh hiện trường, camera trên bản đồ số; nền tảng quản lý camera tập trung; hệ thống giám sát, điều hành giao thông; lắp đặt thí điểm hệ thống camera an ninh; hệ thống giám sát thông tin môi trường mạng; phòng họp không giấy tờ; hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử...

Điều đáng chú ý là nhờ nền tảng quản lý camera tập trung, Trung tâm IOC đã hỗ trợ hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương.

Các camera đã được lắp đặt và truyền số liệu về Trung tâm điều hành thông minh tỉnh để phục vụ công tác giám sát và truy vết

Có thể thấy, việc sớm hoàn thiện Trung tâm IOC sẽ góp phần đảm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch hiệu quả; tăng tốc chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, sớm đưa tỉnh trở thành đô thị thông minh với nền tảng số hiện đại, từ đó nâng cao chất lượng công tác quản lý cũng như phục vụ cho đời sống của Nhân dân.

‘Tăng tốc’ chuyển đổi số

Với lợi thế tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ của nền kinh tế, có sự phát triển không ngừng về lĩnh vực thông tin và truyền thông, tính đến ngày 30/4/2021, sau hơn 3 tháng triển khai triển khai Nghị quyết số 01/NQ-TU, Thái Nguyên đã có sự phát triển vượt bậc trong kế hoạch chuyển đổi số, đặc biệt là đột phá về cải cách và hiện đại hóa hành chính.

Trong xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, bên cạnh hoàn thiện Trung tâm IOC, tỉnh Thái Nguyên có có 985 thủ tục hành chính được thực hiện dịch vụ công mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Thái Nguyên, kết nối, đồng bộ với 100% hệ thống một cửa điện tử trên địa bàn toàn tỉnh.

Hệ thống Quản lý văn bản đi đến và điều hành tỉnh được quan tâm vận hành và duy trì thường xuyên. Ước tính trong quý I/2021, hệ thống gửi/nhận trên 38.000 văn bản (ước tính tiết kiệm được khoảng 1,5 tỷ đồng tiền gửi/nhận văn bản, tiết kiệm được khoảng 3 triệu giờ/quý).

Hiện có 985 thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Thái Nguyên

Ngoài ra, hạ tầng viễn thông - CNTT của tỉnh được đầu tư hiện đại, rộng khắp, sẵn sàng đáp ứng cho công tác chuyển đổi số. Tỉnh đã đầu tư hạ tầng mạng viễn thông - CNTT hiện đại, đồng bộ với mạng cáp quang; mạng di động 3G, 4G sẵn sàng cho 5G; xây dựng nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu (LGSP), kết nối liên thông với nền tảng quốc gia…

Cùng với quyết tâm xây dựng thành phố thông minh, tỉnh Thái Nguyên đã tạo được nhiều đột phá về cải cách kinh tế - xã hội, đặc biệt là hiện đại hóa nền hành chính. Việc đẩy mạnh hoàn thiện Trung tâm điều hành thông minh đã thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của tỉnh trong xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, hiệu quả, hướng đến xây dựng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.

 

Ngô Linh
https://vietnamnet.vn/