Vựa chè trung du Khe Cốc, Thái Nguyên đã tồn tại trên dưới nửa thế kỷ với niềm tự hào là một trong những nơi làm nông nghiệp hữu cơ đầu tiên của cả nước.
Ông Tô Văn Khiêm (đứng giữa) giới thiệu về quy trình sản xuất chè hữu cơ. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.
Nơi làm hữu cơ sớm của Việt Nam
Bưng sâu Khe Cốc, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, Thái Nguyên mang dáng dấp bản làng cổ xưa. Cách đây gần nửa thế kỷ, nhưng người Phú Xuyên, Hà Nội đã lên vùng đất này khai hoang. Làng của người đi xây dựng vùng kinh tế mới nằm giữa rừng cây của các xã Phấn Mễ, Vô Tranh và Yên Lạc.
Đặc trưng nơi này tạo nên một vùng tiểu khí hậu ấn tượng như Sa Pa hay Tam Đảo. Những ngọn đồi bát úp kê sát vào nhau khiến không gian của Khe Cốc chỉ là khe, suối mà không có đồng ruộng. Sương mù vẫn còn vương vấn đồi chè vào những buổi sáng mùa hè.
Ngày đó, khai đồi, mở bãi được người dân thực hiện với phương châm lấy ngắn nuôi dài, trồng ngô, tra mố lấy lương thực trước mắt để phục vụ kế sâu rễ bền gốc là trồng chè, trồng cây ăn quả. Cây chè trung du lá nhỏ đã sống cùng bà con trên dưới nửa thế kỷ.
Thế hệ thứ hai, thứ ba của người Phú Xuyên ở Khe Cốc ít ai biết được làng quê mình đã từng được chọn là mô hình sản xuất chè hữu cơ. Năm 2017, huyện Phú Lương long trọng tổ chức lễ hội làng nghề chè. Tham dự lễ hội, ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam kể lại “sự tích” làm chè hữu cơ chính tại vùng Khe Cốc.
Năm 1998, Hội Làm vườn Việt Nam, Tổ chức ORION (Thụy Điển) đã tài trợ và tổ chức CIDSE tư vấn kỹ thuật đã xây dựng mô hình sản xuất chè hữu cơ tại xã Tức Tranh. Đây là mô hình sản xuất hữu cơ sớm nhất, một trong những "cội nguồn" của nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam.
Liên kết sản xuất nâng tầm thương hiệu
Vùng chè Khe Cốc với diện tích gần 280ha thì xóm Tân Thái, xã Tức Tranh nằm ở trung tâm vùng chè Khe Cốc. Xóm có 80 hộ dân với diện tích canh tác 65ha, trong đó có tới 54ha chè kinh doanh, 43ha trong số đó là chè trung du. Cây chè đem lại nguồn sống cho mấy trăm hộ gia đình, nhưng bà con vẫn cứ sản xuất, chế biến theo phương thức cũ, cho giá trị kinh tế thấp.
Sống với cây chè từ nhỏ, song phải đến năm 40 tuổi, sau khi kinh qua nhiều nghề, ông Tô Văn Khiêm, người xóm Tân Thái mới quay về với chè và gắn bó như duyên nợ đời mình. Ông Khiêm quyết định vận động thành lập HTX để nâng tầm thương hiệu chè Khe Cốc.
Ông Khiêm kiêm 3 chức danh gồm Trưởng xóm, Trưởng Ban quản lý Làng nghề chè Cụm Khe Cốc, xóm Tân Thái và Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX chè an toàn Khe Cốc. Ông tranh thủ các buổi họp xóm để vận động, giải thích cho bà con lợi ích lâu dài khi làm chè an toàn.
Năm 2013, chè Khe Cốc xây dựng tiêu chuẩn VietGap. Năm 2018, HTX chọn phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ. Các thành viên được ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, ký kết hợp đồng đầu tư vật tư phân bón để nhất quán phương thức sản xuất.
Cách làm đó từng bước giúp giá cả thành phẩm được nâng cao. Đời sống bà con đã thay đổi rõ rệt. Trung bình 1ha cho ra sản phẩm khoảng 12 tấn chè/1 năm. Các sản phẩm của chè Khe Cốc tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước. Những năm gần đây, giá chè bán ra thị trường của cụm làng nghề chè Khe Cốc đã tăng lên nhiều so với các năm trước.
Và một điều đặc biệt, vị thơm, đượm của chè Khe Cốc được lan rộng không chỉ thị trường trong nước mà còn vươn ra các nước bạn. Hiện sản phẩm của HTX chè an toàn Khe Cốc đã được đối tác Ba Lan ký kết hợp đồng xuất khẩu sang các nước châu Âu gồm: trà túi lọc, bột trà xanh matcha và kẹo dồi trà xanh. Từ những thành quả đó, ông Tô Văn Khiêm đã được phong tặng Danh hiệu Nghệ nhân chè.
Đau đáu với câu chuyện gửi gắm mong mỏi của Chủ tịch hội hữu cơ Việt Nam và nhiệt huyết của lãnh đạo huyện Phú Lương làm thế nào để chè quê hương đọ sắc, khoe vị với các thương hiệu chè nổi tiếng khác, ông Khiêm quyết định dấn thêm một bước đột phá.
Ông Khiêm đã đề nghị với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên triển khai thực hiện mô hình sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam 11041. Ông coi đó là tấm giấy thông hành cho hướng xuất ngoại của chè Khe Cốc.
Để đa dạng mẫu mã và các sản phẩm khác từ chè, ông Tô Văn Khiêm đã đầu tư mua sắm nhiều thiết bị máy móc để phục vụ sản xuất. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.
Bà Ngô Thị Luyến, Phó phòng kế hoạch kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên cho biết, khảo sát các điều kiện tự nhiên và trình độ canh tác của các thành viên HTX chè an toàn Khe Cốc vị trí, địa điểm này có các điều kiện thuận lợi để triển khai mô hình. Đó là người làm chè ở Tân Thái đã từng tham gia các quy trình sản xuất an toàn trước đó, gần nhất, HTX có tới 60ha chè được sản xuất theo hướng hữu cơ. Chuyển sang thực hiện cấp chứng nhận hữu cơ cơ quan thực hiện chương trình đã chọn 20ha là vùng lõi của 60ha trước đó. Mô hình được triển khai từ đầu năm 2020.
Bà Trần Thị Tài, Tổ phó tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ thuộc HTX Khe Cốc cho biết, gia đình bà có 7.000 mét vuông chè được đưa vào mô hình. Trải qua hơn 2 năm làm chè theo hướng hữu cơ trước đây thì cây chè cũng như sản phẩm chè đã định hình được hướng đi bền vững. Qua hơn năm làm để tiến đến được cấp chứng nhận hữu cơ hệ sinh thái nương chè lại được nâng cấp lên một mức mới. Môi trường sản xuất và môi trường sống được cải thiện, tình hình sinh trưởng của chè vẫn ổn định về năng suất và chất lượng. |
Ông Lê Văn Khánh, Tổ trưởng tổ sản xuất cho biết, tham gia quy trình sản xuất để cấp chứng nhân hữu cơ cho 20ha chè có 38 hộ dân. Đây là khu vực trọng tâm, trọng điểm cả về địa lý cũng như trình độ canh tác của người dân. Việc chọn lựa địa điểm thực hiện mô hình đã đáp ứng được yêu cầu về vùng đệm, vùng cách ly trong sản xuất hữu cơ.
Với vai trò là thành viên tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ xóm Tân Thái song ông Tô Văn Khiêm lại mang trọng trách là Chủ tịch HĐQT HTX chè an toàn Khe Cốc. Một vai hai ghánh, ông Khiêm tâm sự, giờ ông bận bịu với công việc, ngoài đam mê còn là trách nhiệm, danh dự của người đi đầu bởi HTX được đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đứng ra hỗ trợ những đơn hàng xuất khẩu sang một số nước châu Âu như Pháp, Séc, Ba Lan...
Trách nhiệm của ông Khiêm cũng như các thành viên của HTX, của tổ hợp tác là phải duy trì cách thức sản xuất bằng đúng, bằng đủ để được cấp chứng nhận sản phẩm chè hữu cơ. Chỉ như vậy chè Khe Cốc mới tạo dựng được niềm tin, chỗ đứng vững chắc và sự phát triển bền vững. Và lời hứa, sự cam kết về chất lượng sản phẩm chè Khe Cốc của ông với lãnh đạo địa phương, với bạn hàng năm châu mới được thực hiện trọn vẹn.
Theo ông Nguyễn Đình Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên, được ưu đãi của điều kiện tự nhiên, người làm chè Khe Cốc có trình độ sản xuất theo hướng an toàn từ nhiều năm qua nên mô hình sản xuất chè hữu cơ tại đây hứa hẹn những thành quả tích cực. Hầu hết các sản phẩm chè tại lô sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam 11041 đều được chọn làm nhóm có chất lượng hàng đầu để ưu tiên xuất khẩu hoặc nội tiêu với giá cao nhất.
"Cơ quan chuyên môn cũng như người làm chè đều chung nhận định về hiệu quả, chất lượng của sản phẩm. Việc tiến đến để được cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ sẽ là một bước đi lớn không chỉ của chè Khe Cốc mà của cả tỉnh Thái Nguyên trong việc duy trì, mở rộng chỉ tiêu xuất khẩu sản phẩm chè xanh chất lượng cao, giá thành cao. Thực tế đó giúp cho người làm chè không chỉ độc tôn trên thị trường nội tiêu mà vươn tầm thế giới để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm chè Thái Nguyên." Ông Nguyễn Đình Thông. |
https://nongnghiep.vn/