Vùng chè Tân Cương (TP Thái Nguyên) đang chuyển sang sản xuất chè hướng hữu cơ, lấy yêu cầu chất lượng chè và bảo vệ môi trường bền vững lên hàng đầu.
Khoảng 30 năm gần đây, người trồng chè Tân Cương đã đưa nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất chè, thậm chí có cả việc "ép" không cho cây chè ngủ đông như quy luật; sử dụng phổ biến phân hóa học, nhất là phân đạm để tăng năng xuất lá, lứa thu hoạch.
Các xã viên HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bắc Thái, xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương (TP Thái Nguyên) thu hoạch chè. Ảnh: ĐT.
Việc dùng phân hóa học, phân đạm giúp lá chè rất non, hấp dẫn với các loại sâu, bọ ăn lá chè. Cứ thế, người dân lại phải phun thuốc BVTV để bảo vệ cây chè... Việc thâm canh quá mức, chạy theo năng suất như thói quen trong sản xuất khiến đất bị vắt cằn khô.
Với cách chăm sóc theo lối "ốp chè", năng suất chè cao, nhưng tổn thất về lâu dài đối với đất, sức khỏe thì người dân trồng chè đều nhận thấy rất rõ; không những thế còn ảnh hưởng đến chất lượng, hương vị tự nhiên của cây chè.
Nhiều người thu gom chè tươi về chế biến chè khô đã biết chọn lựa, phân rõ giá trị đối với từng vườn chè. Tại mỗi vườn chè, thương lái thu mua chè tươi cũng luôn chênh lệch nhau từ 1,3 đến 1,7 lần, thậm chí chênh nhau 2 lần, tùy theo chất lượng hương vị tại mỗi vườn chè.
Có những vườn chè lạm dụng bón phân vô cơ, giá chè tươi bán cho các xưởng sản xuất chè khô chỉ được quá nửa so với những đồi chè được trồng theo hướng hữu cơ, VietGAP.
Xuất phát từ trách nhiệm của những người chế biến chè khô đối với khách hàng, những năm gần đây, vùng chè Tân Cương đã từng bước hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu.
Thăm quan, chia sẻ kinh nghiệp mô hình chè hữu cơ tại xã Tân Cương (TP Thái Nguyên). Ảnh: VB.
Cùng với đó, TP Thái Nguyên đã thực hiện quy hoạch vùng chè tập trung, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ nông dân trồng lại, trồng thay thế diện tích chè già cằn cỗi, mở rộng diện tích trồng các giống chè mới phù hợp thổ nhưỡng và có chất lượng cao, áp dụng quy trình sản xuất tiến tiến trong sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đồng thời, khuyến khích người trồng chè dùng phân bón hữu cơ, phun thuốc BVTV sinh học, thảo dược để bảo vệ cây chè; sử dụng công nghệ tưới nước tự động, phủ bạt giữ ẩm gốc chống cỏ mọc, chống mưa lớn bào mòn đất...
Đối với hệ thống sao sấy, nhiều cơ sở đã áp dụng công nghệ đóng gói theo hướng bán cơ giới, đa dạng các sản phẩm trà. Mỗi HTX, hoặc hộ gia đình đều có tem nhãn, địa chỉ, điện thoại, cao hơn là có cả mã vạch để khách hàng dễ dùng công nghệ 4.0 truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Điển hình như HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bắc Thái, tại xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương (TP Thái Nguyên) được đánh giá là HTX đi đầu trong áp dụng đồng bộ các khâu kỹ thuật an toàn từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm trà Tân Cương theo hướng bền vững, trách nhiệm khách hàng.
Chị Dương Thị Thơm, Giám đốc HTX cho biết: Để có hướng đi mới, tạo dấu ấn khách hàng, tất cả các thành viên của HTX đã quyết tâm chọn một cách trồng, chăm sóc, bảo quản, chế biến chè theo hướng an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Chị Dương Thị Thơm, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bắc Thái, người phụ nữ tiên phong trong sản xuất chè Tân Cương theo hướng hữu cơ an toàn và trách nhiệm với người tiêu dùng. Ảnh: ĐT.
Mục tiêu của HTX hướng đến là phát triển nghề trồng chè hữu cơ theo hướng bền vững để giữ cho đất đai không bị độc hại, thì mới có thể giữ được vị thơm ngon tinh khiết của trà Tân Cương.
HTX dùng phân bón hữu cơ và không dùng thuốc kích thích nảy mầm, chấp nhận thời gian thu hoạch chè búp tươi bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 10 hàng năm (cho cây chè được nghỉ đông hơn 4 tháng/năm), mỗi lứa cách nhau từ 28 đến 32 ngày, mỗi năm chỉ được 9 đến 10 lứa, năng suất búp tươi chỉ đạt khoảng 19 đến 20 tấn/ha/năm.
HTX chấp nhận thời gian thu hoạch bị kéo dài hơn, lứa thu hái ít hơn, nhưng đổi lại cách chăm sóc chè hữu cơ lá khỏe, ít sâu bệnh, đặc biệt giá bán rất cao, sản phẩm tốt cho sức khỏe khách hàng, xã viên vẫn đạt hiệu quả ngày công lao động và cái được lớn nhất là không gây độc hại cho người làm nghề chè và người tiêu dùng sản phẩm từ cây chè.
Cũng theo chị Thơm, cây chè Tân Cương có thời gian ngủ đông dài, khi sang mùa xuân sẽ cho lứa chè đầu vụ với chất lượng trà rất thơm ngon tinh khiết đặc biệt, có hương vị cốm đậm, vị chát nhẹ, thật đậm đà với vị ngọt thanh, khi pha trà, hương thơm tỏa ra hấp dẫn đúng chất Tân Cương, hiếm có vùng thổ nhưỡng nào tại Việt Nam có trà ngon hơn...
nongsanviet.nongnghiep.vn