Đó là bài viết được đăng trên Báo Xây dựng ngày 10/8. Tác giả phản ánh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên đã tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuần tra, kiểm soát việc vận chuyển đất san lấp trong Khu công nghiệp sông Công II để kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vận chuyển đất trái phép ra khỏi công trường. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên trân trọng giới thiệu đến bạn đọc:

Khu công nghiệp Sông Công II (giai đoạn 2) nằm trên địa bàn thành phố Sông Công, Thái Nguyên đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng dự án.

(Xây dựng) – Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, nghiêm cấm việc vận chuyển đất trái phép ra khỏi công trường xây dựng Khu công nghiệp Sông Công II khi chưa được sự cho phép của cấp có thẩm quyền.'

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Đức Cường - Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho biết: Căn cứ Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 14/01/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, hiện nay, tỉnh đang tập trung giải phóng mặt bằng dự án Khu công nghiệp Sông Công II với tổng diện tích 250ha đã hoàn thành giai đoạn I, đang tiến hành giai đoạn II.

Trong quá trình thi công, một lượng đất lớn đã được san ủi từ đồi, núi để san lấp tại chỗ, tạo mặt bằng. Tuy nhiên, do địa bàn có nhiều đồi đất nên trong quá trình san lấp có phát sinh khối lượng lớn lượng đất đào dư thừa với khoảng trên 121.500m3, trong đó nhiều nhất là lượng đất đào của Công ty TNHH Dongwha Việt Nam 56.069m3 và Công ty TNHH Korea Electric Terminal Việt Nam 65.464 m3…

Để quản lý tốt nguồn tài nguyên đất dư thừa này, tránh việc các công ty tự ý cho vận chuyển đất trái phép ra ngoài công trường xây dựng Khu công nghiệp Sông Công II tiêu thụ trái phép, gây bức xúc dư luận cũng như gây thất thoát nguồn tài nguyên đất làm vật liệu san lấp, thất thoát ngân sách, ô nhiễm môi trường… ngay từ khi triển khai san lấp mặt bằng, Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên đã tiến hành kiểm tra, tính toán cụ thể, cân bằng lượng đất đào đắp, san lấp tại chỗ trong toàn khu công nghiệp. Hướng dẫn các đơn vị thi công phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để rà soát các gói thầu, điều chỉnh giảm giá trị vật liệu đối với khối lượng đất đắp sử dụng tại chỗ của gói thầu. Đồng thời, yêu cầu các công ty vận chuyển phần đất thừa đổ tại các vị trí theo quy định như vị trí các lô: P, CN, CN 8 và phần đất dải cây xanh khu công nghiệp...

Cùng với đó, Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên còn ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể gửi tới từng đơn vị doanh nghiệp, yêu cầu chấp hành nghiêm các quy định về vận chuyển đất san lấp trong Khu công nghiệp sông Công II. Các đơn vị có đất thừa trong quá trình san lấp mặt bằng, thi công hạ tầng phải báo cáo với chủ đầu tư để chủ đầu tư bố trí nơi tập kết, đổ đất phục vụ thi công tại công trường, không được tự ý vận chuyển ra bên ngoài bán trái phép.

Để quản lý tốt lượng đất dư thừa, đảm bảo không ảnh hưởng tới tiến độ thi công của các nhà đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên còn đề nghị Sở Tài Nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn trong việc vận chuyển đất thừa của các công ty ra khỏi khu vực xây dựng nhà máy trong Khu công nghiệp Sông Công II. Cấp quyền khai thác khoáng sản là đất đá thừa trong khu công nghiệp cho Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên để hỗ trợ kịp thời các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy, đi vào hoạt động sản xuất đúng kế hoạch.

Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên quản lý chặt chẽ lượng đất thừa làm vật liệu san lấp trong quá trình thi công mặt bằng dự án.

Ông Phan Đức Cường - Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên cũng nhấn mạnh: Không chỉ quản lý chặt chẽ lượng đất dư thừa đủ tiêu chuẩn làm vật liệu san lấp, kể cả các loại đất đổ thải cũng được Ban Quản lý chặt chẽ, yêu cầu các đơn vị báo cáo vị trí đổ thải và đổ đúng vị trí quy định không ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường tự nhiên. Ban sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương từ cấp xã, phường, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát việc vận chuyển đất trong công trường, kiên quyết ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật các hành vi lợi dụng dự án vận chuyển đất trái phép ra khỏi công trường Khu công nghiệp Sông Công II không đúng hồ sơ được duyệt để bán trái phép.

Việc quản lý chặt chẽ tài nguyên đất làm vật liệu san lấp ở Khu công nghiệp Sông Công II của Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên không những ngăn chặn việc tiêu thụ nguồn tài nguyên đất làm vật liệu san lấp trái phép thông qua dự án mà còn góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên đất đai, khoáng sản, ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác đất làm vật liệu san lấp trái phép thời gian qua.

 
Việt Hoan
baoxaydung.com.vn