Các nhà máy đang dịch chuyển dần về nơi vùng sâu để thu hút lao động. Ảnh: Cổng TTĐT Thái Nguyên.
Tỉnh Thái Nguyên thu hút được nhiều doanh nghiệp lành nghề công nghệ cao, từ đó giúp nông dân chuyển đổi tư duy trong lao động nông thôn, đặc biệt là giới trẻ.
Ly nông thoát nghèo
Nếu trước năm 2010, người trong độ tuổi lao động tại những làng quê Thái Nguyên vẫn tư duy bám chặt vườn ruộng; tức phải trồng lúa xong, những người nông dân mới dẫn nhau lên phố kiếm việc, bù tăng thu nhập cho ngày nông nhàn.
Đến mùa thu hoạch lúa, tất cả lại tất tả về quê để tiếp tục công việc ruộng đồng. Họ cũng đều tính toán được công sức của cả năm trồng cấy mấy thửa ruộng, sẽ không có tích lũy bằng 2 tháng lương phụ hồ nông nhàn, một công việc được đánh giá ngày công rẻ mạt nhất trong hơn 20 năm qua.
Bước vào năm 2010, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ trong tư duy kinh tế, với quyết tâm thay đổi lại quy hoạch kinh tế vùng, từ 1.420 ha đất sản xuất nông lâm - ngư nghiệp thuần túy, sang hạ tầng của 6 Khu công nghiệp lớn tại: Phổ Yên, Phú Bình, thành phố Thái Nguyên từng bước để xác lập lên một vành đai kinh tế công nghiệp, công nghệ cao cho vùng Hà Nội, tiến tới là việc mời gọi, trải thảm đỏ nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghiệp, công nghệ cao, đang có uy tín trên thị trường quốc tế đến lập nghiệp.
Song song với các khu công nghiệp lớn, Thái Nguyên đã nhanh chóng quy hoạch 35 cụm công nghiệp nhỏ theo tuyến huyện, nơi cụm xã với diện tích 1.259 ha để hỗ trợ, phát triển những doanh nghiệp vừa và nhỏ đến với Thái Nguyên, nhằm tận dụng tối đa nguồn nhân lực bán thời vụ tại các huyện, thị xã trong tỉnh, nhằm giảm sức lao động kém hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp truyền thống.
Việc hình thành các khu, cụm công nghiệp, đã cơ bản thu hút số lượng lớn lao động các vùng quê Thái Nguyên tham gia ngay từ lúc giải phóng mặt bằng đến xây dựng cơ sở hạ tầng.
Cứ vậy, lực lượng “lao động vàng” tại các vùng nông thôn Thái Nguyên dần dịch chuyển về các khu, cụm công nghiệp. Các doanh nghiệp tuyển dụng và đào tạo trực tiếp, đã giúp họ yên tâm lao động tại các dây chuyền sản xuất, tham gia lắp ráp, đóng gói những sản phẩm công nghiệp, kể cả sản phẩm công nghệ cao như: Điện thoại thông minh, vô tuyến, loa đài, máy tính, tai nghe...
Những năm 2012 để được “đi làm công ty”, nhiều con em nông dân phải làm hồ sơ khá chặt chẽ từ xác nhận lý lịch sạch, đến xác nhận đã học xong phổ thông 12/12. Nhưng đến năm 2015, nhiều doanh nghiệp cần nguồn lao động, họ chỉ cần đủ tuổi lao động và có chính quyền xác nhận nhân khẩu thường trú tại xã, phường nào đó, sẽ được các công ty tuyển dụng ngay.
Sản xuất công nghiệp công nghệ cao cho việc làm ổn định, nên lực lượng lao động chính trong sản xuất nông nghiệp đã ly nông về các khu công nghiệp, dẫn đến nghề nông truyền thống chủ yếu lại để cho những người lớn tuổi, trẻ em ngày hè phụ giúp thực hiện. Xuất hiện thực trạng bỏ ruộng, nương nơi vùng sâu, vùng xa Thái Nguyên.
Hy vọng ở nông nghiệp công nghệ cao
Trước thực trạng lao động nông thôn chuyển dịch mạnh sang các doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều quyết sách nhằm quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa nông thôn, phát huy mặt tích cực của cây con giống bản địa, cải tạo giống cây con cho phù hợp với mô hình nuôi trồng mới, đặc biệt là việc cổ vũ và khuyến khích nông dân bám đất lúa, giữ đất rừng, nhằm đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Điểm nhấn để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao là đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 70 về thành lập và ban hành quy chế hoạt động khu nông nghiệp ứng dụng công nghiệp cao Thái Nguyên. Theo đó, sẽ thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên, với diện tích 154,36 ha.
Tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Cổng TTĐT Thái Nguyên.
Mục tiêu của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thái Nguyên là thu hút những doanh nghiệp có trình độ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đến với Thái Nguyên, từ đó sẽ lan tỏa các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao trên các lĩnh vực: trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản, bảo quản, chế biến nông sản, sản xuất các chế phẩm sinh học, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc điều hòa sinh trưởng cho cây trồng, đào tạo tiếp nhận chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ ngành nông nghiệp không chỉ riêng Thái Nguyên, mà cho cả nước.
Đối với Thái Nguyên, việc hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao, sẽ góp phần đẩy nhanh áp dụng khoa học trong sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, trên cơ sở tài nguyên và lợi thế hiện có, Thái Nguyên đặt mục tiêu nhanh chóng phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sẽ góp phần tăng thu nhập bình quân cho người lao động tại địa phương này từ 90 triệu đồng/người/năm hiện nay, lên trên 100 triệu đồng/người vào năm 2025.
Hy vọng trong thời gian tới, việc xây dựng, lan tỏa mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại thị xã Phổ Yên được trình diễn, sẽ giúp nhiều nhà nông thôn tiếp thu học tập để bám ruộng, giữ vườn, đến có thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, sẽ giảm tải lao động cho các khu công nghiệp trong tỉnh, từng bước ổn định kinh tế dân sinh tại chỗ, hạn chế ly nông mà vẫn có thu nhập cao, sẽ là thắng lợi lớn của công cuộc xây dựng nông thôn mới tại Thái Nguyên.
ng nghiệp lớn tại: Phổ Yên, Phú Bình, thành phố Thái Nguyên từng bước để xác lập lên một vành đai kinh tế công nghiệp, công nghệ cao cho vùng Hà Nội, tiến tới là việc mời gọi, trải thảm đỏ nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghiệp, công nghệ cao, đang có uy tín trên thị trường quốc tế đến lập nghiệp.
nongnghiep.vn