Đó là bài viết được Báo VietNamnet đăng ngày 12/8. Tác giả phản ánh, trong việc hỗ trợ đồng bào vượt khó trên cả nước, Thái Nguyên là một trong những tỉnh gặt hái được nhiều thành công... Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên trân trọng giới thiệu đến bạn đọc:

Bà con người Mông ở khu Lân Chiêu, xóm La Mạ, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) tích cực đưa các giống ngô mới vào trồng để nâng cao năng suất, sản lượng. Ảnh tư liệu

Để hỗ trợ người Mông từng bước thoát nghèo, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều chương trình, đề án của Trung ương và địa phương giúp họ vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Tiếp cận sản xuất nông nghiệp hàng hóa

Tỉnh Thái Nguyên có trên 1.520 hộ đồng bào dân tộc Mông với gần 8.000 người sinh sống tập trung chủ yếu tại 26 xóm, bản đặc biệt khó khăn. Trong việc hỗ trợ đồng bào vượt khó trên cả nước, Thái Nguyên là một trong những tỉnh gặt hái được nhiều thành công nhất.

Để nâng cao đời sống người Mông trên địa bàn, năm 2014, Thái Nguyên đã triển khai thực hiện Đề án Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống (Đề án 2037).  Đề án nhằm hỗ trợ 26 xóm/bản đặc biệt khó khăn có nhều dân tộc Mông sinh sống. Sự đầu tư có hiệu quả từ các chương trình, dự án, đề án đã làm cho đời sống, kinh tế của người Mông có bước phát triển rõ rệt. Đồng bào được hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ các kiến thức khoa học kĩ thuật áp dụng vào sản xuất nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi xóm/bản. Người Mông được cán bộ khuyến nông cung cấp giống, hướng dẫn trồng ngô lai và các loại cây có giá trị kinh tế như cây chè, cây dong giềng, cây bưởi, cây cam; hỗ trợ kinh phí để đồng bào nuôi trâu bò sinh sản. Một số ít hộ gia đình mở hiệu tạp hóa buôn bán nhỏ.

Xóm Khuổi Mèo xã Sảng Mộc huyện Võ Nhai hiện có 118 hộ, 550 khẩu toàn bộ là người Mông có gốc gác tại các huyện giáp biên của tỉnh Cao Bằng, sau năm 1975 mới di cư đến huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Do đến sau, đất canh tác hầu hết đều đã có chủ nên xóm có rất ít tư liệu sản xuất sinh nhai. Đồng bào tận dụng khai hoang những diện tích đều là đất dốc, bạc màu, canh tác theo phương pháp cũ năng suất rất thấp.

Kể từ năm 2015, theo Đề án 2037 của tỉnh Thái Nguyên, bà con trong xóm được cấp hạt giống ngô lai và phân bón.  Kể từ đó, bà con mới biết dùng phân bón cho cây trồng. Được hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc theo công nghệ kỹ thuật mới, chỉ 1-2 hạt/hốc, trồng thưa hơn trước đây, nên cây phát triển tốt, tỷ lệ đậu bắp rất sai, năng suất cao gấp nhiều lần.

Cây ngô lai chính là bước đi đầu tiên thay đổi tập quán sản xuất góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống bà con. Chính quyền xã Sảng Mộc cũng đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây lúa vào sản xuất. Bà con được cơ quan khuyến nông hướng dẫn khoa học kỹ thuật theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Cán bộ đến tận ruộng để làm mẫu cách trồng cấy, cách bón phân, kiểm tra xử lý sâu bệnh.

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, với mong muốn thoát nghèo, nhiều hộ đồng bào người Mông dần nắm bắt cơ hội, tìm được lời giải cho “bài toán” giảm nghèo bằng cách đi thuê thêm đất để làm nông lâm nghiệp. Đất cao trồng ngô, chè, cây ăn quả, đất dốc trồng rừng, còn đất thuận nước thì cải tạo làm ruộng cấy lúa. Qua hết vụ xuân lại tới cấy vụ mùa, những gia đình người Mông cần cù quanh năm có thóc, ngô xếp chật gác sàn. Nhiều hộ dùng tiền tích lũy được mua thêm đất sản xuất.  Nhiều hộ dân được hỗ trợ mua trâu, bò, được tập huấn kỹ thuật và trồng cỏ voi để thay đổi từ nuôi thả sang làm chuồng nuôi nhốt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Như nhà Vương Văn Lầu, 35 tuổi, được cấp 1 con bò theo diện hộ nghèo. Nhờ chăm chỉ và áp dụng tốt kiến thức chăn nuôi, Lầu đã tăng đàn lên tới 5-6 con, xây cất được ngôi nhà rất khang trang nhờ tiền bán bò, kinh tế hiện khá hơn nhiều.

Giao thông mở lối giảm nghèo

Ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh tâm đắc: Bắt đầu là đường bê tông, tiếp đó là các công trình phúc lợi xã hội (như điểm trường, công trình điện lưới, nước sạch, nhà văn hóa) được đầu tư xây dựng và đều có sự giám sát của nhân dân. Cùng với đó, bà con còn được hỗ trợ giống cây lâm nghiệp, cây lương thực, phân bón... Có đường bê tông, việc đi lại, vận chuyển nông, lâm sản của bà con thuận lợi hơn trước rất nhiều. Theo đó, ngoài ngân sách hỗ trợ của tỉnh, các ngành, địa phương vừa tiến hành xã hội hóa làm đường giao thông từ nguồn đóng góp ủng hộ của các đơn vị tài trợ, sự đóng góp của đồng bào sở tại bằng ngày công lao động…

Bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn xã hội hóa, những con đường mòn về các xóm người Mông đã được thay thế bằng đường bê tông. Tất thảy 15 tuyến đường có tổng chiều dài gần 43km được đổ bê tông theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn, mặt đường rộng 3m, dày tối thiểu 18cm, lề mỗi bên rộng tối thiểu 50cm, với tổng kinh phí đầu tư gần 65 tỷ đồng, cùng với đó nhân dân đóng góp gần 5.000 ngày công lao động (tương đương gần 900 tỷ đồng). Nhưng không giống như ở miền xuôi, đường bê tông lên ngược dốc phải thi công theo cách khác biệt. Ví như đoạn tuyến từ trung tâm xã Thượng Nung lên các xóm Lũng Luông, Lũng Cà, Lũng Hoài..., nhiều đoạn bê tông đổ xuống bị tràn xuống ta-luy âm. Các đơn vị thi công có sáng kiến chia ngắn đoạn, đổ lấn, làm chậm nhưng chắc.

Quyết tâm của tỉnh “không để đồng bào bị tụt lại phía sau” đang từng bước trở thành hiện thực. Thành quả ấy được thể hiện bằng các con số: 100% các xóm có nhiều đồng bào Mông sinh sống đã có đường bê tông nối với trung tâm xã; 100% trẻ em người Mông nói được tiếng phổ thông trước khi vào lớp 1; 100% các xóm có cán bộ y tế thôn bản. Hầu hết người Mông đã được sử dụng nước sạch sinh hoạt, điện lưới quốc gia, được hỗ trợ muối i-ốt, bảo hiểm y tế; gần 100% số hộ có điện thoại di động…

Cùng với các chính sách về kinh tế, tỉnh Thái Nguyên cũng thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ về giáo dục, xã hội, văn hóa với vùng đồng bào dân tộc Mông. Tại các xóm/bản xa trung tâm xã, Tỉnh xây dựng các điểm trường mầm non, tiểu học; thực hiện chế độ ưu tiên tuyển sinh con em sinh sống tại 26 xóm/bản được học các trường dân tộc nội trú, bán trú của Tỉnh. Các xóm/bản có nhân viên y tế. Hàng năm, Sở Y tế Thái Nguyên tổ chức các đoàn tình nguyện đến các xóm/bản khám, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân. Các hoạt động nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông, phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc Mông cũng được tỉnh Thái Nguyên chú trọng..

Nhờ đó, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, cụ thể là tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giảm mạnh, từ 19,2% năm 2016 xuống còn 5,51% như hiện nay; tất cả các xóm đều được dùng điện lưới quốc gia; hơn 90% số hộ đồng bào DTTS được sử dụng nước hợp vệ sinh; xóa tất cả các phòng học tạm; 74 xã miền núi, vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới, không có xã nào dưới mười tiêu chí.

Mai Hương
infonet.vietnamnet.vn