Đó là bài viết được Báo Xây dựng đăng ngày 24/8. Tác giả phản ánh, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo chính quyền TP. Thái Nguyên khẩn trương tính toán các phương án để triển khai xây dựng các công viên cây xanh, vườn hoa công cộng trên địa bàn. Điều đó, thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đối với việc nâng tầm vị thế, đảm bảo tiêu chuẩn văn minh, hiện đại của đô thị thành phố. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên trân trọng giới thiệu đến bạn đọc:

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên kiểm tra vị trí đề xuất xây dựng khu công viên, cây xanh, vườn hoa công cộng trên địa bàn thành phố Thái Nguyên (Nguồn: thainguyen.gov.vn).

(Xây dựng) - Mong muốn có một đô thị xanh với những công viên, vườn hoa, mặt nước của người dân thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) là một nhu cầu, đòi hỏi chính đáng… đã và đang được lãnh đạo địa phương này nỗ lực thực hiện.

Ngày 19/10/1962, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 114/CP về việc thành lập thành phố Thái Nguyên với 4 khu phố (Hoàng Văn Thụ, Trưng Vương, Phan Đình Phùng, Quan Triều), 2 thị trấn (Núi Voi, Trại Cau) và 6 xã (Đồng Quang, Gia Sàng, Cam Giá, Quang Vinh, Đồng Bẩm, Túc Duyên) với tổng diện tích khoảng 100km2, dân số khoảng 60.000 người.

Trải qua gần 59 năm xây dựng, thành phố Thái Nguyên lớn mạnh từng ngày, khẳng định vai trò là đô thị tỉnh lỵ của tỉnh Thái Nguyên và Bắc Thái, thủ phủ của khu Việt Bắc (giai đoạn 1956-1975), trung tâm vùng Việt Bắc. Thành phố đã được công nhận là đô thị loại II vào năm 2002; đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2010.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh, thành phố Thái Nguyên đến nay vẫn chưa thể có 1 công viên đúng nghĩa.

Trong ký ức của những người dân đã và đang sống tại thành phố Thái Nguyên, công viên hay nói chính xác hơn điểm nghỉ ngơi công cộng duy nhất là vườn hoa Sông Cầu tồn tại khá nhiều năm tại trung tâm thành phố, ngay bên bờ Sông Cầu hiền hòa.

Thế nhưng, do nhu cầu phát triển, vườn hoa Sông Cầu không những không được mở rộng mà ngày càng thu hẹp để nhường chỗ cho xây dựng Quảng trường 20/8 và sau này, đến năm 2015 thì những cây cổ thụ cuối cùng cũng được di dời hết để mở rộng quảng trường này.

Theo đó, quy hoạch 2 công viên cây xanh với tổng diện tích trên 187ha cũng đã được phê duyệt gồm: Công viên A (quy hoạch tại khu vực 3 xóm: Gò Chè, Vải, Cổ Rùa của xã Cao Ngạn với diện tích 90,8ha; phía Nam giáp với sông Cầu; phía Đông giáp với Công ty Chế biến lâm sản và Xí nghiệp Đá xẻ Bắc Thái; các phía còn lại giáp với khu dân cư hiện có) và Công viên B (quy hoạch tại khu vực 3 xóm: Tân Thành 1, Tân Thành 2 và Văn Thánh của xã Đồng Bẩm với diện tích trên 96,3ha; phía Nam giáp với sông Cầu; phía Tây giáp với trường Đại học Việt Bắc; phía Đông giáp với xã Linh Sơn, Đồng Hỷ). Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, các công viên trên cũng mới chỉ dừng ở quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000.

Theo ông Nguyễn Văn Cường - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Thái Nguyên: Với các thành phố phát triển, thì xây dựng công viên là chuyện lớn, thậm chí rất lớn. Từ việc trồng cây gì (chứ không phải nuôi con gì) tới việc phối cảnh công viên ra sao, thêm vào các hạng mục vui chơi giải trí gì để các chức năng của công viên phát huy được tác dụng phục vụ người dân.

Không thể mãi đợi nếu như không quyết tâm thực hiện. Ngày 23/02/2021, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 32/KH-UBND thực hiện trồng mới 7 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Thái Nguyên đặt mục tiêu sẽ trồng khoảng 5 triệu cây xanh phân tán gồm cây xanh đô thị và cây xanh nông thôn. Qua đó góp phần nâng cao các tiêu chí phát triển đô thị và hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, phát triển bền vững.

Mới đây, ông Trịnh Việt Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên sau khi kiểm tra thực địa, nghe báo cáo đề xuất, đã yêu cầu chính quyền thành phố Thái Nguyên phải khẩn trương phối hợp khảo sát, tính toán các phương án để triển khai xây dựng các công viên cây xanh, vườn hoa công cộng trên địa bàn.

Chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh thể hiện sự quyết tâm của người đứng đầu chính quyền tỉnh Thái Nguyên đối với việc nâng tầm vị thế, đảm bảo tiêu chuẩn văn minh, hiện đại của đô thị thành phố, đồng thời đáp ứng lòng mong mỏi bấy lâu của người dân địa phương.

Trước đó, ngày 17/6/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã ký ban hành riêng một Chỉ thị về quản lý và thúc đẩy phát triển cây xanh đô thị, trong đó đã chỉ rõ: Việc tổ chức triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch, hiện thực hóa diện tích đất cây xanh từ quy hoạch thành các dự án, công trình khu công viên tập trung, vườn hoa, công viên chuyên đề để phục vụ nhu cầu của nhân dân đô thị còn hạn chế. Nguyên nhân là do việc bố trí, huy động nguồn vốn đầu tư bằng các hình thức phù hợp còn khó khăn, cơ chế khuyến khích xã hội hóa đầu tư các dự án phát triển cây xanh đô thị chưa có...

Một trong những giải pháp được tỉnh Thái Nguyên đưa ra là yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất về cơ chế đầu tư với loại hình dự án công viên cây xanh tập trung sử dụng công cộng kết hợp thương mại có tính khả thi cao để hướng dẫn các địa phương thực hiện. Trong đó, chú trọng huy động nguồn lực xã hội; huy động và tranh thủ tối đa nguồn lực Trung ương và các nguồn vốn khác thông qua lồng ghép các chương trình, dự án.

Trên cơ sở đó, thành phố Thái Nguyên đã rà soát đợt 1 và đề xuất dành 19.200m2 đất ở 6 vị trí dự kiến xây dựng công viên cây xanh, vườn hoa công cộng tại các phường trung tâm là Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Phùng, Túc Duyên và Thịnh Đán. Các vị trí này được đánh giá có tính khả thi, phù hợp với quy hoạch.

Hy vọng rằng, với sự vào cuộc thiết thực, cụ thể này trong thời gian không xa thành phố Thái Nguyên sẽ có thêm nhiều điểm xanh hơn, cải thiện môi trường sống cho người dân, đáp ứng yêu cầu vị thế đô thị trung tâm vùng trung du và miền núi phía Bắc trước khi có những công viên, hồ nước tầm cỡ trong quy hoạch lớn được thực hiện.

Nguyễn Thành
baoxaydung.com.vn