Đó là bài viết được đăng trên Báo Công lý ngày 09/10. Bài viết phản ánh, xác định giao thông nông thôn là động lực, là đòn bẩy và là tiền đề để phát triển kinh tế nông thôn. Theo đó, để hoàn hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, ngành GTVT với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về lĩnh vực giao thông vận tải, đã chủ động, tích cực “chung tay” cùng các địa phương trong tỉnh, từng bước hoàn thiện các chỉ tiêu đặt ra trong xây dựng NTM đến năm 2020, tầm nhìn 2025. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên trân trọng giới thiệu đến bạn đọc:

Tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng, cải tạo, nâng cấp trên 10.794 km đường giao thông nông thôn

Thái Nguyên là một tỉnh trung du miền núi phía Bắc còn gặp nhiều khó khăn về hạ tẩng và kinh tế. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng như sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh, nhất là khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của BCH Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; bộ mặt của nhiều thôn, bản trong tỉnh đã từng bước khởi sắc.

Kinh tế – xã hội phát triển toàn diện; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.

Đóng góp vào thành tựu chung ấy, ngành giao thông vận tải (GTVT) trong giai đoạn qua đã bám sát các mục tiêu trong Nghị quyết số 26-NQ/TW; gắn việc phát triển hạ tầng giao thông nông thôn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ địa phương, kết nối rộng khắp giữa Quốc lộ - Đường tỉnh – Đường xuyện xã – Đường thôn, bản, đặc biệt các xã khó khăn. Phát triển giao thông nông thôn bền vững gắn với mạng lưới giao thông quốc gia, bảo đảm thông suốt bốn mùa tới các xã và cơ bản có đường ô tô đến tất cả các thôn, bản trên địa bàn tỉnh.

Gắn xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông với chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, ngành GTVT xác định: Giao thông nông thôn là động lực, là đòn bẩy và là tiền đề để phát triển kinh tế nông thôn, tăng cường giao thương và giao lưu văn hóa. Tuy nhiên, đầu tư cho hạ tầng giao thông nói chung và giao thông nông thôn nói riêng luôn gặp những khó khăn về nguồn vốn đầu tư, cơ chế vận hành thực hiện dự án, công tác giải phóng mặt bằng …

Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh Thái Nguyên có trên 70% số xã (tương đương 96/137 xã) đạt chuẩn về giao thông nông thôn theo bộ tiêu chí NTM, nhiệm vụ đặt ra với ngành GTVT và các Sở ngành, địa phương là rất lớn. Do xuất phát điểm của hạ tầng giao thông nông thôn của tỉnh thấp. Khi bắt đầu triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, năm 2010, toàn tỉnh mới có 01/137 xã đạt tiêu chí nông thôn mới về giao thông theo bộ tiêu chí nông thôn mới (mới đạt 0,7%).

Trong khi đó, mạng lưới giao thông nông thôn lại dầy đặc, số km đường giao thông nông thôn lớn, thiếu đồng bộ trong kết nối hạ tầng, chủ yếu là đường đất, dân sinh và cấp thấp. Trên 9.100 km đường giao thông nông thôn (đường liên xã, liên xóm, nội đồng) cần được cứng hóa và thi công đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia. Bên cạnh đó, Quy hoạch hạ tầng giao thông nông thôn ở các địa phương, cấp xã còn nhiều bất cập, chưa phù hợp, sát với thực tế địa phương. Một số tuyến đường được quy hoạch lên cấp cao hơn so với chức năng, vai trò thực tế của tuyến (Ví dụ: đường nội đồng quy hoạch thành được trục xóm, trục xã ...).

Xác định rõ những mục tiêu và khó khăn trong xây dựng và hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, ngành GTVT với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về lĩnh vực giao thông vận tải, đã chủ động, tích cực “chung tay” cùng các địa phương trong tỉnh từng bước hoàn thiện các chỉ tiêu đặt ra trong xây dựng NTM đến năm 2020, tầm nhìn 2025 về lĩnh vực giao thông vận tải.

Tập trung làm tốt công tác chỉ đạo điều hành, Sở GTVT đã thành lập tổ công tác của đơn vị do một đồng chí lãnh đạo Sở làm tổ trưởng để triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM của ngành; phân công 02 đồng chí gồm 01 lãnh đạo Sở và 01 lãnh đạo phòng chuyên môn tham gia tổ công tác theo yêu cầu của tỉnh.

Sở đã tích cực tham gia hướng dẫn quy hoạch, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn xã; đường liên xã, liên thôn, liên xóm; Hướng dẫn việc áp dụng thiết kế điển hình, quy trình quy phạm thi công và nghiệm thu mặt đường bê tông xi măng để các xã vận dụng triển khai thực hiện; Hướng dẫn đánh giá bình xét, công nhận tiêu chí giao thông, xã nông thôn mới kiểu mẫu, xóm nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Thái Nguyên; Lập kế hoạch kiểm tra tiêu chí giao thông để hướng dẫn, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới.

Công tác đào tạo tập huấn về xây dựng NTM: Sở đã thực hiện đào tạo cán bộ, nguồn nhân lực làm công tác quản lý, giám sát thi công, quản lý chất lượng thi công đường giao thông do xác định đây là khâu quan trọng, nhất là cấp thực thi ở cấp xã và địa phương. Sở GTVT hằng năm đã báo UBND tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện công tác đào tạo, tập huấn về chuyên môn, kỹ thuật xây dựng đường giao thông nông thôn, đặc biệt là đường bê tông xi măng, phục vụ cứng hóa hệ thống đường địa phương.

Giai đoạn 2012 đến nay, Sở đã tỏ chức 5 khóa tập huấn ngắn hạn cho cán bộ, công chức các xã trên địa bàn tỉnh về xây dựng NTM, trên 400 cán bộ cấp xã tham gia đào tạo, tập huấn, kinh phí 600 triệu đồng. Đây là lực lượng nòng cốt trong triển khai xây dựng đường giao thông nông thôn ở cấp mình quản lý.

Công tác tham mưu, chỉ đạo xây dựng NTM: Sở đã tích cực cùng các Sở, ngành trong tham mưu cho UBND tỉnh cơ chế hỗ trợ các địa phương xi măng, phục vụ cứng hóa đường giao thông nông thôn. Trên 400.000 tấn xi măng đã được tỉnh phân bổ cho xây dựng NTM, trong đó có hoàn thiện về hạ tầng giao thông nông thôn.

Hỗ trợ trực tiếp các địa phương nguồn lực để xây dựng đường giao thông nông thôn. Kêu gọi và thu hút các nguồn lực đầu tư vào hệ thống giao thông nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn là một nhiệm vụ thường xuyên của ngành.

Trong giai đoạn từ 2010 đến nay, Sở đã kêu gọi trên 25 tỷ đồng để hỗ trợ xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ xây dựng nâng cấp hệ thống đường trục xóm của xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Hỗ trợ xã Phương Giao, huyện Võ Nhai thi công đường giao thông vào khu Lân Thùng, xóm Đồng Dong với kinh phí ủng hộ 60 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng đường đầu cầu treo Làng Héo, huyện Định Hóa 100 triệu đồng từ nguồn đóng góp của cán bộ, công chức, viên chứ, người lao động trong ngành.

Bên cạnh các dự án đường, ngành Giao thông vận tải đã tích cực làm việc với các Ban QLDA Trung ương trong bố trí kinh phí thực hiện chương trình xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số. Hưởng lợi từ Đề án 186 cầu treo dân sinh ở những địa bàn đặc biệt khó khăn tại 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành đầu tư 07 cầu treo dân sinh trên địa bàn toàn tỉnh.

Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP), tỉnh được Trung ương hỗ trợ xây dựng 37 cầu dân sinh với kinh phí 112,71 tỷ đồng. Đến nay, các cầu treo và cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh đã và đang hoàn hoàn thành thi công, đưa vào sử dụng, góp góp phần thúc đẩy phát triển xây dựng nông thôn mới, giảm thiểu khó khăn cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Từ những triển khai tích cực trên, hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đầu tư đã và đang phát huy hiệu quả trên khắp địa bàn tỉnh, đã phát huy được vai trò của mình là: Tạo điều kiện tiền đề thuận lợi cho người nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giầu; các dịch vụ xã hội được mở rộng; việc duy trì và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, tiếp cận tinh hoa văn hóa nhân loại cũng ngày một được nâng cao.

Cùng với ngành GTVT, các Sở, ngành, địa phương đã tích cực vào cuộc bằng những ưu tiên đầu tư cho hạ tầng giao thông, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư để sớm hoàn thành tiêu chí xây dựng giao thông đến năm 2020, tầm nhìn 2025.

Bên cạnh đó, bà con nhân dân các dân trong tỉnh đã tích cực tham gia hưởng ứng phong trào bằng đóng góp ngày công lao động, hiến đất và tài sản trên đất để phục vụ làm đường giao thông nông thôn. Giá trị quy đổi từ hiện vật và ngày công thành tiền ước đạt trên 1.200 tỷ đồng.

Cơ chế hỗ trợ xi măng do tỉnh thực hiện đã nhận được sự đồng thuận cao từ phía nhân dân, ngoài ra còn phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Bức tranh giao thông nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực mang tính “đột phá” về kết cấu hạ tầng giao thông.

Tính từ khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã có 119/137 xã đạt tiêu chí giao thông (đạt tỷ lệ 86,7%); tăng 118 xã so với năm 2011. Nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn về xây dựng đường giao thông từ 0,7% lên 86,7%.

Giai đoạn qua, toàn tỉnh đã xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp được 10.794km đường giao thông nông thôn (trong đó xây mới 5.378km; cải tạo, nâng cấp 5.416km); Chất lượng đường giao thông ngày càng được nâng cao và khá đồng bộ; bề rộng mặt đường được mở rộng; nhiều tuyến đường đã có đầy đủ vỉa hè, rãnh thoát nước, đèn chiếu sáng, biển tên đường, biển báo giao thông, trồng hoa, cây xanh… bảo đảm đạt, vượt chuẩn đem lại diện mạo mới cho vùng nông thông tỉnh Thái Nguyên.

Kết quả đó thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực vượt khó của các cấp ngành và địa trong tỉnh, trong đó có việc ưu tiên nguồn lực để hoàn thiện tiêu chí về giao thông nông thôn.

Lê Văn Vịnh
congly.vn