Nhà máy sản xuất và chế biến quặng đa kim Núi Pháo
Nhằm đưa hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn đi vào nề nếp, thời gian qua tỉnh Thái Nguyên đã thường xuyên quan tâm, kiểm tra, giám sát, chỉ đạo chấn chỉnh và xử lý kịp thời những sai phạm.
Cụ thể, Thái Nguyên đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý thuộc thẩm quyền chỉ đạo, thực thi chính sách pháp luật nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản.
Triển khai tuyên truyền, phổ biến giáo dục, pháp luật; trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong thực hiện quy định của pháp luật về quản lý khoáng sản và bảo vệ môi trường.
Tổ chức thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các hoạt động khai thác, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép, nâng cao chất lượng công tác thẩm định, cấp phép môi trường…
Từ những việc làm cụ thể thiết thực trong công tác quy hoạch, bảo vệ nguồn tài nguyên; chấn chỉnh hoạt động khai thác; hỗ trợ doanh nghiệp… Đến nay, thiếu xót tồn tại trong hoạt động khoáng sản đã được xử lý và chấn chỉnh kịp thời, công tác quản lý Nhà nước đã có những chuyển biến tích cực góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Võ Tiến Dũng – Giám đốc Đối ngoại, Cộng đồng, Môi trường của Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo cho biết: Là một trong những đơn vị có quy mô khai thác lớn, Công ty luôn tuân thủ tuyệt đối các thông tư, nghị định về công tác quản lý khoáng sản, các quy định của Bộ Tài nguyên môi trường cũng như tỉnh Thái Nguyên.
Thực hiện và chấp hành tốt nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước theo đúng quy định. Từ năm 2018 đến 2021 Công ty đã đóng góp gần 4000 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, là đơn vị đóng thuế lớn thứ 2 của tỉnh Thái Nguyên sau Samsung.
Mô hình khai thác của Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo có quy mô bài bản và khoa học
Bên cạnh đó, Công ty cũng thường xuyên có những đóng góp, quan tâm, chăm lo đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Cụ thể, từ năm 2014 đến nay, Công ty đã hỗ trợ xây dựng cải tạo trên 8200m đường giao thông nông thôn, 12.950m đường điện thắp sáng làng quê…Hơn 10 năm qua, Công ty đã chung tay giúp đỡ xây dựng được trên 22 ngôi nhà tình nghĩa; trao hàng trăm suất học bổng bằng tiền và hiện vật cho các em học sinh nghèo; khám và tư vấn sức khỏe trên 1000 đối tượng người có công, hộ gia đình chính sách.
Đồng thời, hằng năm Công ty đều đặn đóng góp trực tiếp cho Ngân sách Nhà nước tỉnh Thái Nguyên số tiền tương đương 1 triệu USD để phục vụ các chương trình an sinh, xã hội.
Ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên môi trường tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Với trách nhiệm của ngành, Sở đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản.
Từ 2016 đến nay, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Thái Nguyên đã chủ trì phối hợp với các cơ quan trung ương và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra trên 200 lượt mỏ khoáng sản trên địa bàn. Quá trình kiểm tra đã phát hiện, xử lý vi phạm đối với 29 mỏ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, truy thu tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là trên 9,2 tỷ đồng.
Về công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, các đội kiểm tra, kiểm soát liên ngành đã phát hiện và xử lý kịp thời các tổ chức cá nhân, có hành vi hoạt động trái phép với số tiền xử phạt gần 900 triệu đồng, thu giữ 12,11 tấn quặng chì kẽm; 62,58 tấn đất sét…Tiêu hủy nhiều phương tiện, dụng cụ phục vụ khai thác trái phép, trục xuất các đối tượng ra khỏi khu vực khai thác trái phép.
Đối với các dự án sai phạm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Sở Tài nguyên Môi trường đã lập kế hoạch giải quyết những tồn tại, hạn chế theo hướng dẫn của UBND tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thành lập đoàn kiểm tra, kiểm kê sản lượng, trữ lượng và nghĩa vụ tài chính...
Tăng cường công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, tài nguyên khoáng sản
Bằng sự quyết liệt, nghiêm túc chỉ đạo, lãnh đạo quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Thái Nguyên đã có những chuyển biến tích cực và những kết quả quan trọng góp phần ngăn ngừa tình trạng khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản và buông lỏng trong công tác quản lý.
Tuy nhiên, đây vẫn còn là vấn đề tiềm ẩn nhiều phức tạp, do đó Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp chính quyền địa phương luôn xác định cần thực hiện quyết liệt và hiệu quả hơn nữa. Thời gian tới, Thái Nguyên sẽ tiếp tục, triển khai, đôn đốc thực hiện các Quy định quản lý khoáng sản trên địa bàn và lên phương án bảo vệ nhằm hướng đến mục tiêu đưa hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn đi vào nề nếp.
giaoducthoidai.vn