Chuyển đổi số ở Thái Nguyên đang tạo ra sự chuyển biến tích cực, thay đổi tác phong, lề lối làm việc của nhiều cơ quan, đơn vị tại Thái Nguyên. Trong ảnh là Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Thái Nguyên IOC tích hợp nhiều dữ liệu của các ngành, có mạng lưới camera "mắt thần" quản lý tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
9 tháng đầu năm, Thái Nguyên có gần 1,9 triệu văn bản được gửi, nhận trên hệ thống điện tử thay vì gửi chuyển phát nhanh qua đường bưu điện đã giúp các cơ quan hành chính tiết kiệm ít nhất 7,5 tỉ đồng.
Ngày 16.11, UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, sau gần 1 năm thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 31.11 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025 đang tạo sự thay đổi lề lối làm việc ở nhiều địa phương, với nhiều giải pháp công nghệ được ứng dụng giúp tiết kiệm ngân sách hàng tỉ đồng.
Cụ thể theo UBND tỉnh Thái Nguyên, thống kê từ đầu năm đến ngày 9.11, hệ thống quản lý văn bản đi và đến của tỉnh Thái Nguyên đã có gần 1,9 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận giữa các cơ quan trong toàn tỉnh.
Nếu tính trung bình, mỗi văn bản phải chuyển phát nhanh khi gửi qua đường bưu điện với chi phí khoảng 4.000 đồng thì số tiền tiết kiệm ít nhất từ hệ thống gửi nhận văn bản điện tử này là 7,5 tỉ đồng.
Ngay trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, UBND tỉnh phối hợp với Sở Thông tin - truyền thông tỉnh Thái Nguyên đã đưa vào triển khai giải pháp tiếp nhận hồ sơ trực tuyến https://hotrocongdan.thainguyen.gov.vn và ứng dụng di động C-ThaiNguyen hỗ trợ công dân Thái Nguyên ở 22 tỉnh, thành phố phía Nam phải thực hiện giãn các xã hội.
Theo đó, công dân Thái Nguyên chỉ cần gửi hồ sơ, giấy tờ qua thư điện tử hoặc ứng dụng C-ThaiNguyen sau đó chính quyền địa phương, cơ quan chức năng sẽ tiến hành xác minh và xác nhận thông tin công dân tại địa phương. Tiền hỗ trợ được UBND tỉnh Thái Nguyên chuyển thẳng vào tài khoản cá nhân người đủ điều kiện được hỗ trợ. Trong gần 2 tháng, chương trình đã hỗ trợ được 11.669 người, với tổng kinh phí trên 23,3 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Thái Nguyên hiện có 76 sản phẩm trong chương trình Mỗi xã hội sản phẩm (OCOP) được kết nối, quảng bá, giới thiệu tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử voso.vn; postmar.vn… Bên cạnh đó, Thái Nguyên là tỉnh tiên phong xây dựng và đưa vào sử dụng Hệ thống quản lý cây xanh thông minh trên nền bản đồ số “Thái Nguyên SmartTrees”. Đến nay, tỉnh đã có dữ liệu quản lý trên 1,08 triệu cây xanh, bao gồm cây xanh đô thị, cây xanh nông thông trồng phân tán và cây xanh trồng tập trung. Dự kiến từ nay đến cuối năm, phần mềm này sẽ cập nhật dữ liệu quản lý cho khoảng 1,13 triệu cây và ứng dụng công nghệ mã vạch trong quản lý giống lâm nghiệp và lâm sản.
Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin - truyền thông tỉnh Thái Nguyên, hệ thống quản lý văn bản đi đến và điều hành tỉnh Thái Nguyên đang được vận hành ổn định, thực tế đã chứng minh việc gửi, nhận văn bản điện tử đang giúp tiết kiệm hàng tỉ đồng. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở Thông tin - truyền thông tỉnh Thái Nguyên đang phối hợp với các đơn vị liên quan nâng cấp, bổ sung phiên bản di động (mobile) và chỉ cần có kết nối mạng là người sử dụng có thể thực hiện được công tác chỉ đạo, điều hành. Dự kiến phiên bản di động này sẽ được đưa vào sử dụng ngay trong cuối năm nay.
thanhnien.vn