Một góc Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: TTXVN
Những năm qua, với sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM). Qua đó, tác động tích cực đến công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Nỗ lực xây dựng ĐTTM
Xác định Trung tâm điều hành thông minh được coi là bộ não của ĐTTM, trên cơ sở đó với sự hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), từ tháng 7/2020, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng Trung tâm điều hành thông minh (IOC). Đây được coi là "bộ não số" của tỉnh với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển, cho phép kết nối những trường thông tin, trích xuất dữ liệu; tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, doanh nghiệp (DN), phục vụ công tác nghiên cứu, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước, các cấp chính quyền… một cách công khai và minh bạch.
Hiện tại, IOC của tỉnh đã hoàn thành 11/12 hạng mục, trong đó có nhiều hạng mục quan trọng như phòng điều hành thông minh hiện đại; nền tảng tích hợp, hiển thị thông tin điều hành; triển khai ứng dụng công dân Thái Nguyên - C-ThaiNguyen; tích hợp dữ liệu lĩnh vực y tế, giáo dục, giám sát thông tin, phản ánh hiện trường, camera trên bản đồ số; nền tảng quản lý camera tập trung tích hợp 409 camerra; hệ thống giám sát, điều hành giao thông trang bị phần mềm giám sát giao thông và triển khai lắp đặt 3 camera đọc biển số tại 3 nút giao thông trọng yếu; lắp đặt thí điểm hệ thống camera an ninh với 7 camera; hệ thống giám sát thông tin môi trường mạng; phòng họp không giấy tờ; hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử; hệ thống cảnh báo cháy, số hóa hệ thống cảnh báo cháy nhanh, phục vụ cho công tác cứu hộ cứu nạn trên địa bàn tỉnh...
Việc triển khai IOC của tỉnh đã đem lại những hiệu quả thiết thực. Cụ thể, hệ thống camera giám sát tại các khu vực giãn cách xã hội, các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở y tế, các trạm kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch, hệ thống giám sát phương tiện giao thông góp phần tích cực trong phòng, chống dịch COVID-19. Hệ thống phản ánh hiện trường đã tiếp nhận, xử lý hàng trăm lượt ý kiến của người dân, giúp cho việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt, thông qua ứng dụng C-ThaiNguyen, tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ trực tuyến để hỗ trợ công dân Thái Nguyên tạm trú tại 22 tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đảm bảo kịp thời, hiệu quả...
Cùng với xây dựng, vận hành IOC của tỉnh, việc ứng dụng công nghệ số vào quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng là thước đo quan trọng đánh giá hiệu quả trong xây dựng ĐTTM của tỉnh Thái Nguyên. Theo đó, lĩnh vực này cũng đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đơn cử, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, các lĩnh vực như giáo dục, y tế, văn hóa đã ứng dụng công nghệ số vào một số hoạt động như: Trang bị 210/685 cơ sở giáo dục phần mềm hoạch toán các khoản thu, trong đó có 20% các đơn vị đã triển khai thu học phí không dùng tiền mặt; xây dựng phần mềm quản lý di sản văn hóa; triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin y tế đến 178/178 trạm y tế cấp xã, 100% nhà thuốc, 76% cơ sở quầy thuốc đã sử dụng phần mềm kết nối liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia; Khởi tạo dữ liệu cho 98% dân số (người dân có thẻ bảo hiểm y tế) và thực hiện kết nối liên thông các cơ sở khám chữa bệnh…
Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ trong phát triển kinh tế số cũng không phải ngoại lệ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ động phối hợp với Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong kết nối, quảng bá và tiêu thụ nông sản. Toàn bộ 76 sản phẩm OCOP tỉnh Thái Nguyên đã được kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Vỏ Sò (voso.vn), sàn TMĐT PostMart (postmart.vn); Hỗ trợ 180.000 tem truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QRCode cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh.
Việc triển khai thanh toán trực tuyến, phát triển TMĐT bước đầu thu được kết quả đáng kể, người dân Thái Nguyên đã chủ động thay đổi phương thức thực hiện các giao dịch như thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội qua ngân hàng số, thanh toán di động, trong đó, ViettelPay đạt 95.000 khách hàng, VNPTPay đạt 105.000 sử dụng thường xuyên, phát sinh giao dịch qua ứng dụng.
Ghi nhận về triển khai ĐTTM
Với những kết quả tích cực đã đạt được trong xây dựng ĐTTM, mới đây, Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT (VINASA) đã trao Giải thưởng thành phố thông minh (TPTM) Việt Nam 2021 cho tỉnh Thái Nguyên. Đây là giải thưởng nhằm ghi nhận, tôn vinh, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào quy hoạch, điều chỉnh, quản lý hạ tầng, giao thông - logistics, giáo dục, y tế, du lịch, năng lượng, môi trường và cung cấp các dịch vụ, tiện ích thông minh giúp các thành phố, đô thị, khu công nghiệp công nghệ cao, khu chế xuất… trở nên thông minh hơn đem lại cuộc sống văn minh, tiện ích, an toàn, thịnh vượng cho người dân và phát triển DN.
Giải thưởng TPTM Việt Nam 2021 là kết quả xứng đáng, tự hào cho những nỗ lực CĐS, phát triển ĐTTM của tỉnh Thái Nguyên.
Giải thưởng TPTM Việt Nam 2021 đã đánh giá và ghi nhận những nỗ lực của Sở TT&TT trong thời gian vừa qua trong công tác tham mưu triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia và phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam trên địa bàn tình Thái Nguyên.
Phát huy những kết quả đạt được, ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở TT&TT Thái Nguyên cho biết: Chương trình CĐS giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030, Thái Nguyên đặt mục tiêu hướng đến là TPTM. Trong đó tập trung vào một số nội dung cơ bản: Xây dựng và nâng cấp hệ thống CNTT ở các cơ quan nhà nước; đổi mới và kiến tạo cơ cấu, quản trị phù hợp với quá trình CĐS; xây dựng IOC; giao thông thông minh, chiếu sáng thông minh; kiểm soát an ninh trật tự, xã hội thông minh; lĩnh vực Y tế và Giáo dục và Đào tạo… Những kết quả này góp phần xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong CĐS của cả nước./.
ictvietnam.vn