Đó là bài viết được đăng trên Báo Giáo dục và Thời đại ngày 28/02. Bài viết phản ánh, đối với các huyện miền núi, có những địa bàn chưa đảm bảo được việc phủ sóng viễn thông, hoặc có thì sóng yếu không đảm bảo đáp ứng được việc học trực tuyến. Hơn nữa, thiết bị hỗ trợ cho việc học trực tuyến còn rất thiếu. Tuy nhiên, nhiều thầy cô đã nỗ lực hết sức mình, nhiều trường đã phải triển khai các phương án “3 trong 1”, kết hợp linh hoạt giữa trực tiếp, trực tuyến, giao bài tận nhà với quyết tâm không để học trò bị gián đoạn học tập. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên trân trọng giới thiệu đến bạn đọc:

Học sinh tiểu học tại xã Văn Lăng (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) được trao tặng thiết bị để học trực tuyến tại nhà

GD&TĐ - Linh hoạt trong điều kiện khó khăn mùa dịch, nhiều nhà trường miền núi tại Thái Nguyên đang triển khai đồng thời nhiều phương thức dạy học, đảm bảo tính hiệu quả cũng như phù hợp tình hình thực tiễn.

Đối với huyện Đồng Hỷ, việc tổ chức dạy học được liên tục điều chỉnh phù hợp với tình hình, nhất là từ sau Tết Nguyên đán. Từ việc đón toàn bộ học sinh đến trường, các nhà trường chuyển sang cho những em học sinh chưa được tiêm (độ tuổi lớp 6 trở xuống) học trực tuyến. Hiện tại, do dịch vẫn diễn biến phức tạp, 54/55 nhà trường đã chuyển hoàn toàn sang trực tuyến, chỉ duy nhất trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Đồng Hỷ đang dạy học tập trung, trực tiếp.

Một giờ học trực tiếp kết hợp trực tuyến của thầy trò trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên)

Từ đầu năm học, đã có hơn 460 điện thoại thông minh, máy tính bảng được tặng cho học sinh trên địa bàn, qua chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Đến nay, về cơ bản các em học sinh đều có điều kiện thiết bị, cho nên các thầy cô giáo yên tâm tập trung cho dạy học trực tuyến. Riêng với một số ít trường hợp địa bàn vùng cao như điểm trường Liên Phương của trường Tiểu học Văn Lăng, các thầy cô giáo vất vả hơn khi phải đến các gia đình để giao bài và nhắc nhở, hướng dẫn các em học tập.

Với quyết tâm không để học trò bị gián đoạn học tập, nhiều thầy cô đã nỗ lực hết sức mình, dù chính bản thân cũng gặp không ít khó khăn. Cô giáo Trương Thu Hà, giáo viên môn Toán trường THCS Cây Thị (Đồng Hỷ) bị nhiễm Covid-19, phải điều trị tại bệnh viện 2 tuần. Trong suốt thời gian trong viện, mặc dù đang được nghỉ chữa trị, cô vẫn tự nguyện mở máy dạy trực tuyến theo tiến độ chương trình, không nghỉ một tiết dạy nào.

Tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Đồng Hỷ, gần 350 học sinh đang học tập sinh hoạt theo mô hình “khép kín” tại trường, nhằm tránh các nguy cơ lây lan dịch. “Có hơn 10 học sinh khối lớp 6 không thể đến trường học trực tiếp. Chúng tôi đã kịp thời bố trí 3 camera, cùng hệ thống 12 máy chiếu cho 12 phòng học, đảm bảo tất cả các tiết dạy đều được kết nối trực tuyến cho những em nghỉ ở nhà” - thầy giáo Nguyễn Đức Lợi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Học sinh trường THCS Thị trấn Chợ Chu (Định Hóa, Thái Nguyên) với lớp học trực tuyến

Tại huyện Võ Nhai, việc triển khai dạy kết hợp song song trực tuyến có nhiều khó khăn hơn, vừa do thiếu thiết bị hỗ trợ, vừa do một số địa bàn chưa có sóng, hoặc sóng yếu không đảm bảo đáp ứng học tập. Trong tổng số 64 trường học của toàn huyện, hiện chỉ có một số ít đơn vị trang bị được camere như Tiểu học Đông Bo, THCS Tràng Xá…

“Hầu hết các nhà trường vẫn đang nỗ lực duy trì tổ chức dạy học trên lớp, chỉ cho những lớp có trường hợp F0 ở nhà học trực tuyến. Với các trường hợp này, các thầy cô còn phải đến tận nhà giao bài vì địa bàn thuộc vùng lõm về sóng” - bà Hoàng Thị Huyền, Phó trưởng Phòng GD&ĐT Võ Nhai trao đổi.

Đối với huyện vùng cao Định Hóa, hiện trên địa bàn có đến 16 điểm lõm sóng 4G, trong đó nhiều nhất là xã Tân Thịnh với 8 xóm. Ngành giáo dục địa phương đang duy trì các lớp học “3 trong 1”, kết hợp linh hoạt giữa trực tiếp, trực tuyến, giao bài tận nhà.

“Toàn trường có 229 học sinh, hiện còn khoảng 30 em khó tiếp cận với việc học trực tuyến hoặc hoàn toàn không thể tiếp cận do không có đường truyền internet, thuộc vùng lõm sóng 4G. Các thầy cô giáo ngoài việc hoàn thành dạy học trực tiếp trên lớp, còn kết hợp gửi bài và trao đổi giải đáp trực tiếp qua điện thoại, đồng thời đến nhà giao bài và hướng dẫn với các trường hợp địa bàn không có sóng” - cô giáo Phan Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Thịnh (Định Hóa) cho biết.


giaoducthoidai.vn