Đó là bài viết được đăng trên Báo Xây dựng ngày 26/4. Bài báo phản ánh, tỷ lệ che phủ rừng của Thái Nguyên đạt 47,6%, cao hơn 5,5% so với mức bình quân chung của cả nước. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, trong năm 2022, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên tiếp tục tổ chức thực hiện Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện trồng rừng tập trung 3.700 ha, ổn định tỷ lệ che phủ rừng theo tiêu chí mới từ 46% trở lên. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên trân trọng giới thiệu đến bạn đọc:

Chi cục tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

(Xây dựng) - Giai đoạn 2021 - 2025, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên phấn đấu thực hiện trồng rừng tập trung 3.700 ha, trong đó trồng rừng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ 1.100 ha, trồng rừng theo các nguồn vốn khác 2.600 ha, khoán bảo vệ 26.500 ha rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng 6.600 ha, ổn định tỷ lệ che phủ rừng theo tiêu chí mới từ 46% trở lên.

Thái Nguyên hiện có trên 178.800 ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, trong đó, rừng đặc dụng 36.000 ha, rừng phòng hộ 43.000 ha và rừng sản xuất hơn 99.000 ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,6%, cao hơn 5,5% so với mức bình quân chung của cả nước. Những năm qua, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên đã nỗ lực khắc phục những khó khăn lớn như: Lực lượng mỏng, địa bàn rộng, diện tích rừng lớn với địa hình hiểm trở, phức tạp; một số chủ rừng còn chủ quan và chưa trách nhiệm trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng trên diện tích được giao quản lý… để thực hiện tốt nhiệm vụ.

Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên đã tham mưu cho Sở NN&PTNT thống nhất số liệu 3 loại rừng với Tổng cục Lâm nghiệp làm cơ sở để đưa vào quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030; tham mưu cho HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hưởng ứng thực hiện Chương trình “Trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Dự án Bảo vệ và phát triển rừng sản xuất, phòng hộ, đặc dụng và nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh giai đoạn 2021-2025…

Song hành với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cũng được tăng cường.

Ngoài ra, Chi cục còn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường các biện pháp bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ; hướng dẫn các chủ rừng là hộ dân, cá nhân xây dựng và thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng.

Bên cạnh đó, phối hợp với các địa phương tổ chức 10 cuộc diễn tập chữa cháy rừng cấp xã; tổ chức cắm 333 biển cảnh báo lửa rừng trên địa bàn huyện Đại Từ; làm mới và sửa chữa lại 43 biển báo cấm và bảng biển tuyên truyền bảo vệ và phòng, cháy chữa cháy rừng.

Lực lượng Kiểm lâm cũng tổ chức thực hiện 24 đợt truy quét ngăn chặn xử lý các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Đồng thời, thường xuyên tuần tra, kiểm tra, nắm bắt thông tin, tình hình để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi khai thác, phá rừng, mua bán vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn…

Ông Lê Cẩm Long - Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên chia sẻ: Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, trong năm 2022, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên tiếp tục tổ chức thực hiện Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện trồng rừng tập trung 3.700 ha, trong đó trồng rừng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ 1.100 ha, trồng rừng theo các nguồn vốn khác 2.600 ha, khoán bảo vệ 26.500 ha rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng 6.600 ha, ổn định tỷ lệ che phủ rừng theo tiêu chí mới từ 46% trở lên. Cùng với đó, Chi cục tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững để nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lâm sản để tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng...


baoxaydung.com.vn