Hằng năm, tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ gian hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP cho các chủ thể.
ới việc thực hiện hiệu quả các đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Thái Nguyên đã bước đầu phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo ra các sản phẩm OCOP đạt chất lượng cao, được thị trường tín nhiệm. Qua đó, góp phần tích cực phát triển kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh Thái Nguyên có trà tôm nõn của Hợp tác xã trà Hảo Đạt ở xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên và Miến của Hợp tác xã Miến Việt Cường ở xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia.
Từ một hợp tác xã nhỏ với bảy thành viên, những năm gần đây Hợp tác xã Miến Việt Cường đã phát triển lên với 30 thành viên. Giám đốc hợp tác xã Nguyễn Văn Ba, cho biết: “Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, những năm qua ban lãnh đạo chúng tôi dành nhiều thời gian, tâm huyết nghiên cứu cải tiến quy trình sản xuất, đầu tư 26 tỷ đồng mua sắm, tăng cường cơ sở vật chất theo hướng tự động hóa để không phụ thuộc vào thời tiết, tăng năng suất, giảm lao động thủ công”.
“Đặc biệt, hợp tác xã chúng tôi chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp nên Miến Việt Cường được công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao, được người tiêu dùng tín nhiệm. Được tỉnh hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, quảng bá bằng nhiều hình thức, đến nay Miến Việt Cường được bày bán ở các siêu thị lớn, bước đầu xuất khẩu sang Thái Lan, nhiều nước châu Âu, mỗi năm mang lại doanh thu 30 tỷ đồng”, ông Ba cho biết thêm.
“Tứ đại danh trà” Khe Cốc ở xã Tức Tranh, huyện Phú Lương đã từng nổi tiếng một thời, nhưng do phát triển manh mún, mạnh ai nấy làm, mẫu mã đóng gói sơ sài, khi thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm, thương hiệu trà Khe Cốc đã tìm lại chỗ đứng trên thị trường, được người sành dùng trà ưa thích, gần đây xuất khẩu sang châu Âu.
Nhờ chủ động ban hành Đề án mỗi xã một sản phẩm, tỉnh Thái Nguyên và hầu hết các huyện, thành phố đều có chính sách hỗ trợ cụ thể về đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng vùng nguyên liệu, chế biến, hỗ trợ điểm giới thiệu, bán sản phẩm, thưởng cho các sản phẩm đạt 3 sao trở lên.
Những chính sách này đã tạo ra hiệu quả thực tế, đến nay toàn tỉnh có 129 sản phẩm OCOP, trong đó có hai sản phẩm 5 sao, 73 sản phẩm 4 sao, còn lại là 3 sao của 49 chủ thể là hợp tác xã, 11 chủ thể là doanh nghiệp, 3 chủ thể là tổ hợp tác, 3 chủ thể là cơ sở sản xuất kinh doanh.
Phó Chánh Văn phòng Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên Trần Nho Hưởng, chia sẻ: "Không chạy theo số lượng, tỉnh ban hành tiêu chuẩn riêng là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP phải có vùng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn VietGap, tăng cường an toàn thực phẩm. Từ đó, nhận thức của các chủ thể, nhất là nông dân về chất lượng sản phẩm OCOP được coi trọng, người tiêu dùng tín nhiệm, giá trị gia tăng của sản phẩm được nâng lên, thúc đẩy liên kết sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, củng cố, phát triển hợp tác xã ở nông thôn”.
Các sản phẩm OCOP đã tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 110 triệu đồng/ha/năm, nhiều diện tích trà đạt 750 triệu đồng/năm, cây ăn quả đạt 350 triệu đồng/năm; năm 2021 giá trị sản xuất ngành nông nghiệp Thái Nguyên đạt 14,6 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng khoảng 4%, góp phần đưa gần 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, số lượng sản phẩm ngoài trà đạt tiêu chuẩn OCOP còn ít, chủ yếu là sản phẩm truyền thống, chưa được chế biến sâu để có giá trị gia tăng cao hơn, xuất khẩu còn hạn chế. Khắc phục hạn chế này, thời gian tới tỉnh sẽ tăng cường phát triển các sản phẩm OCOP gắn với thế mạnh, tiềm năng của tiểu vùng, như dược liệu, dịch vụ, du lịch; thu hút đầu tư, khuyến khích các chủ thể chế biến sâu các sản phẩm, nhất là các sản phẩm từ chè, cây ăn quả để tiêu thụ mạnh trong nước và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, tăng giá trị của sản phẩm.
nhandan.vn