Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải khai trương Trung tâm Điều hành thông minh thứ 3 tại TP. Sông Công vào cuối tháng 4.2022
Là một trong những địa phương tiên phong về chuyển đổi số, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh và được đưa vào hoạt động từ năm 2021. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đỗ Xuân Hòa nhấn mạnh, IOC mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng trong hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh
“Bộ não số” với khả năng tích hợp dữ liệu
IOC được coi là “bộ não số” của tỉnh Thái Nguyên với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển, cho phép kết nối những trường thông tin, trích xuất dữ liệu. Tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, doanh nghiệp, phục vụ công tác nghiên cứu, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước, các cấp chính quyền… một cách công khai và minh bạch.
Hiện tại, IOC đã hoàn thành 11/12 hạng mục, trong đó có nhiều hạng mục quan trọng như phòng điều hành thông minh hiện đại; nền tảng tích hợp, hiển thị thông tin điều hành; triển khai ứng dụng công dân C - ThaiNguyen; tích hợp dữ liệu lĩnh vực y tế, giáo dục, giám sát thông tin, phản ánh hiện trường, camera trên bản đồ số; nền tảng quản lý camera tập trung tích hợp 409 camerra; hệ thống giám sát, điều hành giao thông trang bị phần mềm giám sát giao thông và triển khai lắp đặt 3 camera đọc biển số tại 3 nút giao thông trọng yếu; lắp đặt thí điểm hệ thống camera an ninh với 7 camera; hệ thống giám sát thông tin môi trường mạng; phòng họp không giấy tờ; hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử; hệ thống cảnh báo cháy, số hóa hệ thống cảnh báo cháy nhanh, phục vụ cho công tác cứu hộ cứu nạn trên địa bàn tỉnh...
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đỗ Xuân Hòa cho biết, các hệ thống của IOC tỉnh được vận hành, hoàn thiện bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng trong hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh.
Thời điểm làn sóng dịch Covid-19 bùng phát trước đây, hệ thống camera giám sát tại các khu vực giãn cách xã hội, các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở y tế, các trạm kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch, hệ thống giám sát phương tiện giao thông góp phần tích cực trong phòng, chống dịch. Hệ thống phản ánh hiện trường đã tiếp nhận, xử lý hàng trăm lượt ý kiến của người dân, giúp cho việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt, thông qua ứng dụng C-ThaiNguyen, tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ trực tuyến để hỗ trợ công dân Thái Nguyên tạm trú tại 22 tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đảm bảo kịp thời, hiệu quả...
Trong thời gian tới, để hoàn thiện IOC, tỉnh tiếp tục xây dựng và ban hành các quy trình phối hợp các hệ thống, nhất là hệ thống giám sát thông tin mạng, giám sát an ninh, kết nối và khai thác dữ liệu, ứng cứu khẩn cấp, góp phần xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong chuyển đổi số, từng bước phát triển thành trung tâm kinh tế mạnh của cả nước với các công nghệ hiện đại, phát triển đô thị thông minh, xã hội số - kinh tế số tại địa phương.
Khai trương IOC thứ 3 trên địa bàn tỉnh
Cuối tháng 4 vừa qua, tỉnh Thái Nguyên vừa khai trương IOC thứ 3 trong định hướng xây dựng Chuyển đổi số được thông qua tại Nghị quyết của Tỉnh uỷ tỉnh Thái Nguyên. Trung tâm điều hành đô thị thông minh được đặt tại trụ sở UBND TP. Sông Công, trực tiếp thực hiện các chức năng như giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội; chỉ tiêu báo cáo, thống kê; giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền về quản lý, sử dụng đất đai. Tương tác, giao tiếp phục vụ công dân, cũng như giám sát thông tin báo chí, truyền thông trên internet, đặc biệt là giám sát, điều hành an ninh trật tự công cộng, an toàn giao thông trên toàn thành phố.
Thay vì đi kiểm tra thực tế như trước đây, cán bộ, chuyên viên liên quan đến lĩnh vực môi trường, đô thị có thể thông qua dữ liệu được tích hợp từ hệ thống giám sát đặt tại Trung tâm điều hành đô thị thông minh là có thể nắm bắt, thu thập những số liệu cần thiết, từ đó có những giải pháp và hướng xử lý hợp lý, phù hợp.
Hiện tại, việc tích hợp dữ liệu đã được hệ thống của Trung tâm điều hành đô thị thông minh TP. Sông Công thực hiện trên 10 lĩnh vực gồm: giám sát chỉ tiêu kinh tế - xã hội; giám sát dịch vụ hành chính công; giám sát văn bản điện tử; hệ thống phản ánh hiện trường; hệ thống camera an ninh và giao thông; giám sát, điều hành du lịch thông minh; dữ liệu ngành giáo dục, y tế…
Việc tích hợp này đảm bảo tính chân thực, chính xác, minh bạch, trong đó có nhiều hệ thống đang cung cấp dữ liệu thời gian thực. Qua đó, giúp lãnh đạo TP. Sông Công thuận lợi trong việc quản lý và giám sát hoạt động của xã hội thông qua hệ thống camera có độ phân giải cao được lắp đặt trên các trục đường chính.
Từ tháng 7.2021 triển khai vận hành thực nghiệm đến nay, IOC TP. Sông Công đã tiếp nhận và giải quyết trên 800 lượt ý kiến, kiến nghị phản ánh của người dân qua hình ảnh gửi từ ứng dụng về Trung tâm. Sau thời gian triển khai cho thấy, mô hình này đã tạo thuận lợi 2 chiều cho cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp, các hiện tượng vi phạm pháp luật khác đã giảm đi khá nhiều, người dân cũng thấy hài lòng hơn vì việc xử lý đáp ứng kịp thời. Việc đưa IOC vào vận hành sẽ giúp thành phố Sông Công thực hiện triệt để công tác chuyển đổi số. Đây cũng là chìa khóa quan trọng giúp địa phương thu hút đầu tư, thiết lập, xây dựng và vận hành một nền hành chính công chuyên nghiệp, hiện đại.
daibieunhandan.vn