Lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên trao Giấy chứng nhận cho các đơn vị có chỉ số DDCI cao
PCI - Với sự chỉ đạo, quyết liệt, sát sao, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) 2021 thành công.
Vừa qua, Bộ Chỉ số DDCI năm 2021 Thái Nguyên đã được công bố lần đầu tiên. Do vậy, nhiều người đặt ra câu hỏi: Tại sao DDCI lại được đưa vào khảo sát? Và việc thực hiện các giải pháp để nâng cao chỉ số này tác động ra sao đến sự phát triển chung của tỉnh?.
Nếu như PCI là cuộc khảo sát đánh giá ở quy mô cấp quốc gia (chấm điểm giữa các tỉnh), thì DDCI là cuộc khảo sát, đánh giá ở cấp tỉnh, nhằm lấy ý kiến đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp đến từng sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, thành phố về thực trạng điều hành kinh tế, thực tế môi trường kinh doanh một cách đầy đủ, toàn diện hơn.
“Giá trị và sản phẩm quan trọng nhất của DDCI không phải là bảng xếp hạng thứ bậc của các sở, ban, ngành, huyện, thành phố mà chính là những bài học kinh nghiệm, những dư địa cải cách được phát hiện và những khoảng cách cần được thu hẹp giữa nỗ lực của chính quyền và kỳ vọng của doanh nghiệp”.
Lan tỏa “sức nóng” vì xếp hạng DDCI
Theo đó, có 9 chỉ số thành phần để điều tra khảo sát đối với sở, ngành gồm: (1) Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, (2) Chi phí thời gian, (3) Chi phí không chính thức, (4) Cạnh tranh bình đẳng, (5) Hỗ trợ doanh nghiệp, (6) Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, (7) Vai trò người đứng đầu, (8) Mức độ chuyển đổi số, (9) Tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh. Thái Nguyên có chỉ số thành phần mới là “Mức độ chuyển đổi số” để đánh giá đo lường mức độ phát triển và ứng dụng CNTT của các sở, ban, ngành và địa phương.
Tiếp cận đất đai là 1 trong 3 chỉ số tăng điểm (từ 6,68 lên 7,27 điểm) của PCI năm 2021
Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, người dân, việc PCI được công bố hằng năm, giờ thêm DDCI được tỉnh tổ chức đánh giá sẽ “buộc” các đơn vị, địa phương phải nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng điều hành, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh. Qua đó, khơi dậy và thôi thúc được tinh thần, động lực thi đua, cạnh tranh về những nỗ lực trong nâng cao chất lượng đồng hành cùng doanh nghiệp.
Xây dựng Bộ chỉ số đánh giá DDCI là cần thiết, theo Ông Chu Văn Khanh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên, kết quả đánh giá DDCI 2021 của tỉnh cho thấy, “Mức độ chuyển đổi số” là chỉ số đạt điểm trung bình cao nhất, với 8,66 điểm.
Với khối sở, ban, ngành, đơn vị có điểm số cao nhất là Kho bạc Nhà nước tỉnh với 89,17 điểm; thấp nhất là Sở Xây dựng 77,65 điểm. Đối với khối địa phương, điểm trung bình chung là 84,21 điểm. TP. Sông Công là đơn vị dẫn đầu với 86,3 điểm; thấp nhất là huyện Phú Bình 81,25 điểm. Nhìn vào kết quả trên có thể thấy, so với PCI, điểm số của DDCI cao hơn hẳn, thậm chí đơn vị dẫn đầu còn tiệm cận khá gần với thang điểm tối đa và tất cả đều được xếp trong thứ hạng Tốt.
Quyết tâm cải thiện chỉ số PCI từ tỉnh
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Ông Trịnh Việt Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, chưa có một thời điểm nào, tinh thần đổi mới, đồng hành cùng doanh nghiệp được các cấp ủy, chính quyền tại Thái Nguyên chỉ đạo mạnh mẽ như hiện nay. Có thể thấy rõ điều này trong thời gian vừa qua, tỉnh tổ chức họp, đánh giá, tìm giải pháp để nâng cao Chỉ số PCI hồi tháng 5, đến ngày 27/7/2022, UBND tỉnh đã có Công văn số 3520/UBND-TH về tăng cường đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong đó nêu rõ: Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tiếp tục hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp đảm bảo chất lượng, thực chất, hiệu quả; có thể tổ chức nhiều lần trong năm. Riêng năm 2022, cuộc đối thoại lần đầu phải thực hiện xong trước ngày 30-8.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với doanh nghiệp. Trong ảnh: ông Lương Chí Công, đại diện Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo phát biểu tại buổi đối thoại do Sở Xây dựng tổ chức 9/8/2022.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã tổ chức 2 hội nghị để đánh giá, tập huấn nâng cao chỉ số này với sự tham gia của đại diện lãnh đạo VCCI, các Hiệp hội tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh. Đặc biệt, đây cũng là nội dung được lãnh đạo tỉnh lưu ý, nhấn mạnh trong nhiều cuộc họp.
Xây dựng hình ảnh chính quyền năng động, thân thiện, chuyển tư duy từ cho phép, cấp phép sang tư duy phục vụ; chuyển mạnh từ “tháo gỡ khó khăn” sang tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là một trong những khuyến nghị của tỉnh để nâng cao Chỉ số PCI.
Có thể nói, việc cải thiện chỉ số PCI và DDCI không thể một sớm, một chiều; cũng không thể chỉ thực hiện ở một vài sở, ngành, địa phương mà cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Nhưng rõ ràng đây là việc Thái Nguyên hoàn toàn có thể làm được bởi trước đó, từ những năm 2014-2016, Thái Nguyên đều nằm trong tốp 10 tỉnh dẫn đầu PCI cả nước. Ông Hùng chia sẻ.
Chuyển động của các sở, ngành, địa phương
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, tính đến nay, đã có gần 10 sở, ngành, địa phương tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp.
Về vấn đề nâng cao chỉ số PCI và DDCI, Ông Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng Thái Nguyên cho biết: DDCI Sở Xây dựng đạt 77,65 điểm thấp nhất khối sở, ban, ngành, vì vậy thực hiện chỉ đạo UBND tỉnh ngày 9/8/2022 Sở Xây dựng đã tổ chức đối thoại cùng doanh nghiệp, lắng nghe các vướng mắc như về giá vật liệu, cũng như các thủ tục trong quy hoạch, cấp phép xây dựng, số hóa hồ sơ đã được Sở Xây dựng giải đáp ngay tại cuộc đối thoại mang lại hiệu quả thiết thực.
Thứ hạng DDCI của các sở, ngành và địa phương năm 2021
Ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương, cho rằng cần có sự thay đổi trong cách đánh giá đối với cả PCI và DDCI, cần tiếp tục tham khảo ý kiến các tổ chức tư vấn, các doanh nghiệp để chỉ số toàn diện, hiểu quả hơn. Ngày 4/8/2022 ngành Công Thương cũng đã tổ chức đối thoại cùng doanh nghiệp để lắng nghe và giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp thời gian vừa qua.
Đại diện Sở Công thương cùng các sở, ngành tỉnh Thái Nguyên lắng nghe ý kiến đóng góp của doanh nghiệp
Ông Vũ Duy Nghĩa, Chủ tịch UBND TP Sông Công - địa phương dẫn đầu trong khối các huyện, thành phố về chỉ số DDCI của tỉnh năm 2021, chia sẻ: Sông Công ưu tiên, coi trọng thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, phát triển hạ tầng, bởi đây là những vấn đề then chốt để phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và chuyển đổi sổ; tăng cường đối thoại để thúc đẩy việc tương tác trực tiếp giữa chính quyền với tổ chức, doanh nghiệp, người dân.
Kỳ vọng từ cải cách
Việc tỉnh Thái Nguyên quyết tâm thực hiện đánh giá năng lực cạnh tranh của các sở, ngành, địa phương khiến doanh nghiệp rất phấn khởi. Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, khẳng định: Kết quả DDCI là một trong những công cụ hữu hiệu để đưa ra bức tranh chung về môi trường đầu tư, kinh doanh. Điều đó khiến doanh nghiệp kỳ vọng nhiều hơn vào những cải thiện chính sách sau này.
Với một phong trào thi đua sôi nổi, đây sẽ là một bước ngoặt mang tính đột phá trong công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khẳng định quyết tâm của tỉnh Thái Nguyên không ngừng nâng cao chất lượng điều hành kinh tế một cách toàn diện, đáp ứng đầy đủ nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Cùng với kết quả công bố DDCI, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương sớm xây dựng các giải pháp để phát huy các chỉ số thành phần có điểm số tốt; khắc phục, cải thiện các chỉ số thành phần thấp điểm; hỗ trợ doanh nghiệp nhất là việc đơn giản, rút ngắn thủ tục hành chính, các chính sách về tiếp cận đất đai,...
Đồng thời tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân, với phương châm: Suy nghĩ thật, nói thật, hành động thật, có kết quả thật, người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật.
diendandoanhnghiep.vn