>>> TP Sông Công: Hội tụ đầy đủ yếu tố thu hút đầu tư
Thành phố Sông Công được xác định là đô thị công nghiệp, trung tâm kinh tế, văn hóa khu vực phía Nam tỉnh Thái Nguyên. Là địa phương có nhiều thuận lợi về vị trí, điều kiện hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông- đô thị bản lề trung chuyển giao lưu hàng hóa giữa tỉnh Thái Nguyên với các đô thị xung quanh. Sông Công còn là nơi tập trung các công trình trọng điểm, các khu, cụm công nghiệp và được ví như miền đất hứa với nhiều tiềm năng phát triển.
Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND thành phố Sông Công - Vũ Duy Nghĩa về công tác cải cách hành chính, đồng hành cùng doanh nghiệp tạo sức hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư về Sông Công.
- Sông Công đã tạo nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh - từ đó thu hút đầu tư về trên địa bàn thành phố, tạo đột phá phát triển về công nghiệp, đô thị, dịch vụ như thế nào thưa ông?
Thành phố Sông Công đã đạt nhiều thành tích nổi bật trong công tác xây dựng Đảng, phát triển công nghiệp, quy hoạch đô thị, xây dựng nông thôn mới, cũng như đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó nổi bật nhất là công tác thu hút đầu tư.
Những năm gần đây, Sông Công được ví như “thỏi nam châm”, là điểm sáng trong bức tranh thu hút đầu tư của tỉnh Thái Nguyên. Thành phố đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, với phương châm “Doanh nghiệp và người dân phải là đối tượng phục vụ; lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp”.
Đồng thời, gắn cải cách hành chính với công tác thi đua khen thưởng và đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số,…Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị đã tạo sự đồng thuận trong Nhân dân và tin tưởng, đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp.
Ngày 21/4/2002, Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) đi vào vận hành chính thức thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền TP Sông Công trong xây dựng chính quyền số phục vụ người dân và doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo xu thế của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, qua đó góp phần đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số của tỉnh Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, một trong những giải pháp mang tính đột phá được TP Sông Công tập trung thực hiện đó là ưu tiên giải phóng mặt bằng (GPMB), tạo quỹ đất sạch thu hút nhiều nhà đầu tư lớn. Công tác bồi thường, GPMB của thành phố luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở. Phòng Tài nguyên và môi trường, Trung tâm phát triển quỹ đất đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể của thành phố, Đảng ủy, UBND các xã phường tập trung cao độ cho công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB các dự án trọng điểm, các dự án còn tồn đọng, và các dự án mới triển khai thực hiện năm 2022.
Các phòng, ban chức năng của thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân, tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan như: triển khai quy trình thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ GPMB, tái định cư bài bản, bảo đảm đúng quy định pháp luật. Qua đó nâng hiệu quả triển khai các dự án. Những chủ trương và giải pháp thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư đã cho thấy sự chỉ đạo đúng hướng, cần tiếp tục được phát huy.
6 tháng đầu năm 2022, UBND thành phố đã ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB để thực hiện công tác thu hồi đất đối với 26 dự án, tăng 23,8% so với cùng kỳ. Tổng số tiền hỗ trợ GPMB dự ước chi trong 6 tháng đầu năm 200 tỷ đồng; đã có 02 dự án đầu tư mới được chấp thuận chủ trương đầu tư tại KCN Sông Công I và KCN Sông Công II với số vốn đăng ký 107 tỷ đồng. Các dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp khác tiếp tục được đôn đốc, triển khai thực hiện.
Thu ngân sách ước đạt 361 tỷ đồng, bằng 50% kế hoạch tỉnh giao, bằng 46,8% kế hoạch thành phố, tăng 90% so với năm 2021. Trong những năm gần đây, TP Sông Công có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao với bình quân 17% trong 3 năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo chiều hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ và xây dựng.
5 năm trở lại đây, TP Sông Công đã GPMB trên 500 ha đất với tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ trên 1.700 tỷ đồng. Từ chỗ chỉ có 1 Cụm công nghiệp Gò Đầm với 3 doanh nghiệp đầu tiên, đến nay TP Sông Công đã có 2 KCN tập trung là Sông Công I và Sông Công II cùng 4 cụm công nghiệp với trên 450 đơn vị sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động trong và ngoài tỉnh.
Trong đó, KCN Sông Công I đã có 102 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư là 58 triệu USD và gần 8.000 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 55%; KCN Sông Công II (giai đoạn 1, diện tích 250ha) có 18 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư là trên 1 tỷ USD, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 96%. KCN Sông Công I, KCN Sông Công II, bàn giao đất kịp thời cho doanh nghiệp. Các dự án xây dựng hạ tầng tái định cư phục vụ GPMB đạt khoảng 90% theo kế hoạch đề ra. Làm tốt công tác GPMB đúng tiến độ đã góp phần phát huy hiệu quả, thu hút đầu tư tại TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên.
>>> Thái Nguyên cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI
>>> Thái Nguyên: TP Sông Công thu hút các dự án quy mô
Chúng tôi với quan điểm: Xác định thu hút đầu tư là một trong những khâu đột phá của Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025. Do đó, để tăng cường thu hút đầu tư tương xứng với tiềm năng của một thành phố công nghiệp, trong năm 2022, Sông Công sẽ tiếp tục tích cực chủ động phối hợp với các ngành của tỉnh tiếp tục rà soát thực trạng phát triển KCN Sông Công I theo hướng điều chỉnh, giảm diện tích ở các khu vực lõi đô thị đông dân cư; điều chỉnh bổ sung và định hướng phát triển về phía Bắc để thực hiện giải pháp quy hoạch điều chỉnh toàn diện, đồng bộ, hoàn thiện thủ tục triển khai mở rộng KCN Sông Công II, giai đoạn 2 thêm 300 ha, nâng tổng diện tích của KCN này lên 550 ha, lớn nhất tỉnh Thái Nguyên.
Thành phố phối hợp cùng Ban Quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên thu hút các dự án có tiềm năng, có hàm lượng khoa học - công nghệ kỹ thuật cao, sạch, có sản phẩm thân thiện với môi trường, tạo ra giá trị gia tăng lớn sử dụng nhiều lao động vào KCN Sông Công II. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Bá Xuyên, Cụm công nghiệp Lương Sơn để tăng nguồn thu ngân sách địa phương, thu hút lao động trong và ngoài địa phương khác về TP Sông Công...
Sông Công được xem là một trong những “thành phố trẻ’’ có bước chuyển mình nhanh chóng và tích cực. Với sự nỗ lực đổi mới, phát triển cơ sở hạ tầng cũng như các ngành trọng điểm, đã giúp TP Sông Công trở thành một trong những thành phố có nhiều điểm sáng thu hút đầu tư top đầu trên cả nước.
- Những năm qua, TP Sông Công đã huy động nhiều nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển đô thị. Ông hãy cho biết, đến nay bộ mặt đô thị của thành phố đang ngày càng thay đổi, từng bước hoàn chỉnh theo mô hình đô thị xanh, sạch, đẹp như thế nào?
Trong chương trình phát triển đô thị chung của tỉnh, TP Sông Công đã nghiên cứu đề xuất của UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch chung của địa phương đến năm 2025, tầm nhìn 2030 và xây dựng chương trình phát triển đô thị đáp ứng yêu cầu nâng cấp đô thị theo quy hoạch; huy động và phát huy mọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài ngân sách nhà nước để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Theo kế hoạch phát triển đô thị giai đoạn 2021 - 2025, đến năm 2025 TP Sông Công sẽ cần số vốn đầu tư khoảng 56 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, mở rộng một số trục giao thông nội thị - phát triển dịch vụ, mở rộng không gian đô thị; triển khai quyết liệt 3 đột phá và các công trình, dự án trọng điểm; Đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy; chuyển đổi số; cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, để từng bước hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn thành phố, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
6 tháng đầu năm 2022, UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết cho 11 đồ án, gồm: Khu dân cư đường Nguyễn Văn Cừ; điều chỉnh cục bộ Khu trung tâm hành chính TP Sông Công; các khu chức năng 2 bên tuyến đường du lịch Sông Công - Núi Cốc; một số Khu đô thị như: KĐT sinh thái thể thao phường Châu Sơn, dịch vụ số 1 Tân Quang, số 2 xã Bá Xuyên, Tân Sơn; Khu dân cư phường Bách Quang, Tân Tiến và Cụm công nghiệp Lương Sơn. Điều chỉnh mở rộng Khu dân cư La Đình. Nhằm xây dựng Sông Công trở thành đô thị loại II, thành phố đã quy hoạch nhiều dự án khu dân cư có quy mô lớn. Trong đó phải kể đến các dự án như: KĐT Kosy, Hồng Vũ; Khu dân cư Thống Nhất,…
Trong quy hoạch đô thị, thành phố cũng chú trọng tăng diện tích cây xanh, tạo mảng xanh đô thị. Hiện, thành phố đang quản lý gần 3.000 cây xanh trên 9 tuyến đường nội thị với chiều dài hơn 30 km và hơn 23.000 m2 thảm cỏ, bồn hoa.
Diện mạo đô thị TP Sông Công có thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất của Nhân dân từng bước nâng cao. Tin tưởng rằng, trong năm 2022 TP Sông Công sẽ trở thành đô thị loại II, xứng đáng là một trọng điểm công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên.
- Trân trọng cảm ơn ông!