DDCI được xem là công cụ hữu hiệu nhất hiện nay giúp đánh giá, phân tích chi tiết về năng lực, hiệu quả của hoạt động điều hành kinh tế cấp sở, ngành, địa phương thuộc tỉnh Thái Nguyên.

>> Nữ đại biểu kiến nghị giải pháp “cứu” gang thép Thái Nguyên

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến thăm Trung tâm Điều hành thông minh (IOC).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến thăm Trung tâm Điều hành thông minh (IOC).

Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) được xem là công cụ hữu hiệu nhất hiện nay giúp đánh giá, phân tích chi tiết về năng lực, hiệu quả của hoạt động điều hành kinh tế cấp sở, ngành, địa phương thuộc tỉnh Thái Nguyên.

Năm 2021 là năm đầu tiên tỉnh Thái Nguyên triển khai đánh giá DDCI. Theo đó, DDCI được xây dựng nhằm đo lường chất lượng quản trị, điều hành kinh tế của các cơ quan chính quyền cấp huyện, thị và sở ngành - những cấp chính quyền có quan hệ trực tiếp với các cơ sở kinh tế trên địa bàn như hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và các nhà đầu tư.

Động lực cải thiện môi trường kinh doanh

DDCI hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng quản trị và điều hành kinh tế tại cấp tỉnh và huyện, góp phần cải thiện chất lượng quản trị công. Do vậy, chỉ số này được xây dựng nhằm thúc đẩy nhận thức và hành động nhằm cải thiện công tác quản lý, điều hành kinh tế địa phương, mang lại lợi ích tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư; thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và cho nền kinh tế tỉnh Thái Nguyên.

Song song, DDCI cũng tạo ra kênh thông tin phản hồi rộng rãi, minh bạch và tin cậy để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến đối với chính quyền tỉnh, huyện và các sở, ngành trong việc nâng cao chất lượng điều hành và cải thiện môi trường kinh doanh.

Việc triển khai DCCI sẽ giúp chính quyền địa phương nâng cao trách nhiệm giải trình, nắm bắt, thu thập thường xuyên các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng kinh doanh tại địa phương, phản ánh kịp thời tới các cơ quan nhà nước có liên quan để có giải pháp xử lý nhanh chóng và hiệu quả.

 Thái Nguyên đang thúc đẩy mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh.

Thái Nguyên đang thúc đẩy mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh.

Bộ chỉ số DDCI của tỉnh được xây dựng dựa trên cách tiếp cận và kế thừa về phương pháp luận của Bộ chỉ số PCI do VCCI thực hiện. Căn cứ vào thực tế khách quan, chỉ số thành phần DDCI Thái Nguyên năm 2021 được xây dựng bao gồm 9 chỉ số là Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Hỗ trợ doanh nghiệp; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; Vai trò người đứng đầu; Mức độ chuyển đổi số; Tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh.

Dựa trên những khác biệt, đặc thù của địa phương, Thái Nguyên có chỉ số thành phần mới là “Mức độ chuyển đổi số” để đánh giá đo lường mức độ phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin của các sở, ban, ngành và địa phương.

Lựa chọn đối tượng đánh giá DDCI tại 11 sở, ngành và 9 huyện, thành phố trên cơ sở khảo sát 1.000 doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động, sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh có tương tác hoặc sử dụng dịch vụ hành chính công của các Sở, ban, ngành và cấp huyện trong vòng 02 năm vừa qua.

Quyết liệt trong cải cách hành chính

Mục tiêu lớn nhất khi triển khai Bộ chỉ số DDCI là tạo những chuyển biến tích cực, rõ nét trong thái độ, tư duy và hành động tạo động lực để các sở, ban, ngành, địa phương thi đua - nhằm nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh; thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính; tạo thêm kênh hữu ích cho cộng đồng doanh nghiệp phản ánh tiếng nói tới chính quyền.

Doanh nghiệp được trực tiếp tham gia đánh giá chất lượng phục vụ của chính quyền và các cơ quan chức năng là cơ hội để nói lên tiếng nói của mình, phản ánh những điều đã thấy hoặc trực tiếp trải nghiệm, qua đó mong có sự chuyển biến tích cực từ phía chính quyền địa phương để doanh nghiệp thêm thuận lợi trong sử dụng các dịch vụ công.

Từ đó, chính quyền địa phương có chương trình hành động cụ thể để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng như những bất cập, tồn tại nếu có từ phía những người thực thi chính sách để được điều chỉnh kịp thời, phù hợp, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng tin tưởng, việc triển khai Bộ chỉ số DDCI sẽ cung cấp cho lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên công cụ hiệu quả để giám sát và chỉ đạo cải thiện chất lượng điều hành đối với các sở, ngành và huyện, thị xã, thành phố; tạo ra kênh thông tin phản hồi minh bạch, rộng rãi và tin cậy để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến đối với các sở, ngành, địa phương trong việc nâng cao chất lượng điều hành, cải thiện môi trường kinh doanh tại địa phương.