>>> Thái Nguyên lần đầu công bố Chỉ số DDCI
Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp cho rằng, để tham gia thị trường và mở rộng quy mô sản xuất, doanh nghiệp cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa từ chính quyền địa phương về cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính.
Đó là ý kiến của ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI tại hội nghị tập huấn công tác nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của tỉnh Thái Nguyên.
Theo ông Tuấn, hiện nay, nhiều chính quyền địa phương đã tiếp tục phát huy tinh thần năng động và sự ủng hộ mạnh mẽ với khu vực kinh tế tư nhân; hoạt động phòng chống tham nhũng trong những năm gần đây đã đem lại những chuyển biến tích cực. Tỉ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức nhìn chung có xu hướng giảm; hiệu quả giải quyết TTHC có cải thiện rõ rệt,…
Trong những năm gần đây, điểm số PCI của Thái Nguyên cao hơn giá trị trung vị cả nước, đứng thứ 3/14 tỉnh miền núi phía Bắc. Năm 2021, PCI Thái Nguyên đạt 64,81 điểm, xếp thứ 28 toàn quốc. Các doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên ghi nhận sự ủng hộ của chính quyền tỉnh đối với khu vực tư nhân. Tỉ lệ doanh nghiệp FDI đánh giá chính quyền tỉnh có thái độ tích cực lên đến 81,5%, cao thứ 4/22 địa phương tham gia khảo sát FDI. Chất lượng thực thi chính sách, pháp luật của sở, ngành, địa phương khá tốt, không gian để cải thiện còn rất nhiều.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tư nhân trong tỉnh Thái Nguyên có đánh giá tích cực về chất lượng giáo dục phổ thông và đào tạo nghề, tốt nhất khu vực miền núi phía Bắc. Các chi phí đào tạo và tuyển dụng cũng khá cạnh tranh. Nhìn chung, chất lượng lao động tại Thái Nguyên đáp ứng được nhu cầu công việc của các doanh nghiệp.
Đồng thời, môi trường kinh doanh của Thái Nguyên khá bình đẳng so với các địa phương khác trong vùng, niềm tin của doanh nghiệp vào Tòa án ở địa phương được củng cố. Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh được đánh giá cao về những đóng góp trong hoạt động xây dựng và phản biện chính sách.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, so với giai đoạn 2017-2020, một số chỉ tiêu đánh giá chi phí thời gian trong thực hiện TTHC năm 2021 chưa cho thấy sự chuyển biến rõ rệt. Cụ thể, chỉ có 34% doanh nghiệp dành hơn 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện các quy định pháp luật của Nhà nước (xếp thứ 54/63); 73% doanh nghiệp không cần phải đi lại nhiều để lấy dấu và chữ ký (xếp thứ 39/63); 73% thời gian thực hiện TTHC được rút ngắn hơn so với quy định (xếp thứ 52/63).
Do đó, Thái Nguyên còn nhiều không gian để cải thiện chất lượng giải quyết TTHC trực tuyến, quy trình giải quyết thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn một số loại thông tin, tài liệu…
>> PCI và sự năng động của chính quyền địa phương
>> Thái Nguyên cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI
Về việc này, ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên mong muốn các chuyên gia về PCI chia sẻ một cách chính xác nhất về phương pháp đánh giá và tiếp cận PCI, để từ đó các sở ngành, địa phương hiểu rõ vị trí của mình đang ở đâu, đang có những khuyết điểm nào trong việc đóng góp cho PCI của tỉnh.
Ông Tiến kỳ vọng thông qua PCI và DDCI, các đơn vị sẽ rút kinh nghiệm, tự đổi mới, tự nâng cao năng lực để thay đổi chỉ số, thay đổi cách quản lý, lãnh đạo, lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư với mục tiêu tăng cường niềm tin và nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức, hướng tới môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên mong muốn các doanh nghiệp hãy cởi mở, thẳng thắn đánh giá khách quan, minh bạch hơn trong việc đánh giá PCI. Đồng thời, phản ánh kịp thời những nội dung cần phản ánh đến người có trách nhiệm để kịp thời khắc phục.
Ông Chu Văn Khanh, Giám đốc Trung tâm tư vấn và xúc tiến đầu tư (Sở KHĐT tỉnh Thái Nguyên) thảo luận, năm 2021, chỉ số PCI đã có những điều chỉnh rất khác so với năm 2020. Năm 2022, các chỉ số PCI sẽ có những thang đo đặc biệt nào để phản ánh những nỗ lực, cố gắng của chính quyền tỉnh trong việc phục hồi kinh tế sau COVID-19 và sẽ được thực hiện như thế nào trong Bộ chỉ tiêu PCI 2022?
Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, PCI phải giải quyết 2 mẫu thuẫn. Một là, phải duy trì sự ổn định các chỉ số để có thể so sánh hàng năm; mặt khác, phải cập nhật thay đổi của môi trường kinh doanh nhiều biến động của địa phương. Tuy nhiên, việc thay đổi các chỉ số PCI phải phù hợp với thực tế phát triển đó; việc rà soát thường thực hiện 4 năm một lần, do đó trong 3 năm sau sẽ không có sự thay đổi. Hiện, PCI đang có ý tưởng về “Chỉ số xanh” – những chính sách, giải pháp của địa phương để thúc đẩy đầu tư thân thiện với môi trường theo hướng bền vững phù hợp với định hướng của Chính phủ về giảm phát thải nhà kính đến năm 2050.
Ông Đoàn Quang Huy, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Công nghệ Truyền thông và Kinh tế số (iDEC), đơn vị được giao thực hiện đánh giá chỉ số DDCI tỉnh Thái Nguyên năm 2021 cho rằng, Bộ chỉ số PCI tương đối toàn diện, đầy đủ nhưng vẫn còn khá phức tạp. Việc áp dụng Bộ chỉ số này để đánh giá năng lực điều hành của các cấp chính quyền địa phương tương đối rộng và còn gặp khó khăn. Những điểm mấu chốt trong từng chỉ tiêu của Bộ chỉ số PCI được làm cơ sở cho việc đánh giá DDCI của tỉnh để hoàn thiện hơn trong thời gian tới.
Do đó, việc lựa chọn những tiêu chí đánh giá cần xác thực, phù hợp với từng địa phương, giúp nâng cao hiệu quả quản trị kinh tế của địa phương. Điều quan trọng, các bộ chỉ số PCI và DDCI phải đơn giản, dễ hiểu nhưng vẫn đánh giá được đầy đủ nhất bản chất điều hành chính quyền, nhận được sự hợp tác của các cơ quan chuyên ngành.